HomeThương trườngGiá điện khó rẻ dù có thị trường bán lẻ cạnh tranh

Giá điện khó rẻ dù có thị trường bán lẻ cạnh tranh

Việt Nam sẽ chấm dứt việc độc quyền nhà cung cấp điện và giá có thể cạnh tranh hơn nhưng theo các chuyên gia, “chưa chắc giá đã rẻ hơn”.

Theo kế hoạch xây dựng, phát triển thị trường điện bán lẻ cạnh tranh được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn từ 2022 – 2024, khách hàng sử dụng điện được mua điện trên thị trường điện giao ngay và sau năm 2024 sẽ được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện.

Như vậy, năm 2024 khi có thị trường điện cạnh tranh, thay vì Nhà nước điều tiết giá bán lẻ như hiện nay, đơn vị bán lẻ và khách hàng thoả thuận theo hợp đồng, không có sự can thiệp của Nhà nước. Đồng thời, như Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói tại phiên giải trình ở Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, thị trường điện cạnh tranh sẽ xoá bỏ độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ở khâu mua buôn, bán lẻ điện.

Do tính cạnh tranh của các thành tố tham gia nên giá điện phản ánh đúng quy luật thị trường, nhà đầu tư có cơ hội tái đầu tư, ông Trần Tuấn Anh cho rằng “giá điện sẽ có tăng, có giảm” thay vì chỉ có tăng liên tục những năm qua.

Chia sẻ với VnExpress, các chuyên gia nhận định, giá điện sẽ khó rẻ ngay cả khi có thị trường bán lẻ cạnh tranh.

Ông Trần Đình Long – Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam phân tích, cơ sở xây dựng giá bán lẻ điện bình quân hiện được tính toán dựa trên chi phí sản xuất chia cho tổng lượng điện thương phẩm hằng năm. Trong đó, chi phí sản xuất dựa trên nhiều yếu tố như giá mua từ các nguồn điện, chi phí vận hành, tổn thất lưới truyền tải…

Theo ông Long, với cơ cấu chi phí sản xuất giá thành điện, giá mua từ nguồn phát điện thường chiếm khoảng 60%, trong khi đó giá phát điện hiện phụ thuộc nhiều yếu tố bất định. Chẳng hạn với thuỷ điện, phụ thuộc vào tình hình thuỷ văn, nước về các hồ chứa… Còn điện chạy dầu hay khí lại phụ thuộc vào giá các nguyên liệu này trên thị trường thế giới. Chưa kể, trong thành phần cơ cấu giá thành còn yếu tố tỷ giá VND/USD luôn biến động…

“Khó có thể khẳng định giá điện sẽ rẻ hơn khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố khó lường trước”, ông Long nói với VnExpress.

Công nhân Điện lực Hà Nội kiểm tra công tơ điện tại nhà khách hàng. Ảnh: Trung Trần.

Công nhân Điện lực Hà Nội kiểm tra công tơ điện tại nhà khách hàng. Ảnh: Trung Trần.

Đồng quan điểm Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cũng nói, đã là thị trường thì các doanh nghiệp bán lẻ sẽ cạnh tranh về giá, nhưng giá thế nào còn phụ thuộc vào nguồn cung. Theo ông, hiện phần lớn nguồn cung sản xuất điện giá rẻ từ than, dầu…, những loại nguyên liệu hoá thạch không tái tạo đang dần cạn, than hay dầu cho sản xuất điện đã phải đi nhập giá cao, phụ thuộc thị trường thế giới. Với thuỷ điện, sẽ phụ thuộc vào thời tiết, vài năm gần đây thường xuyên xảy ra tình hình khô hạn nên việc huy động điện từ nguồn này không dồi dào như trước…

Thay thế các nguồn điện giá thấp này là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…) nhưng các loại hình này, giá mua điện đang cao hơn nhiều. Chẳng hạn, dự án điện mặt trời vận hành trước 30/6/2019 được hưởng giá mua cố định trong 20 năm, với mức 9,35 cent (khoảng 2.086 đồng) mỗi kWh. Còn dự án vận hành sau thời điểm này và trước 31/12/2020, giá mua là 7,09-7,69 cent (1.644-1.783 đồng) một kWh, tuỳ loại hình điện mặt trời nổi hay nối lưới. Riêng giá mua điện mặt trời mái nhà là 8,38 cent (1.943 đồng) mỗi kWh.

Với mức giá mua điện năng lượng tái tạo cao như vậy, “giá bán lẻ tới tay người dân sẽ khó có thể rẻ dù có thị trường bán lẻ cạnh tranh hay không”, ông Ngãi nhận xét. Ông cũng lưu ý, giá đầu vào cũng phải phản ánh đầy đủ các chi phí, lợi nhuận hợp lý và xoá bỏ tình trạng bù chéo giữa các nhóm khách hàng sản xuất, tiêu dùng hiện nay… thì giá bán lẻ đầu ra mới thực sự cạnh tranh.

Tuy nhiên, điều chắc chắn khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là khách hàng sẽ được chọn nhà cung cấp bán điện cho mình, hoặc thay đổi nhà cung cấp nếu thấy các điều kiện không hợp lý. Khi vào thị trường bán lẻ điện cạnh tranh buộc các nhà cung cấp phải cạnh tranh, minh bạch cấu phần giá điện.

Khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, EVN sẽ không còn độc quyền ở khâu bán lẻ điện, như vậy người dân sẽ không lo “chỉ một đơn vị độc quyền đứng ra bán điện như hiện nay”. Các nhà cung cấp bán lẻ điện sẽ phải tự cân đối, cắt giảm chi phí để cạnh tranh với nhau, minh bạch cấu phần giá điện và đưa ra giá có lợi nhất để “hút” khách hàng.

Mức cạnh tranh càng cao, giá sẽ càng hợp lý, minh bạch. Khi đó người dân có thể yên tâm khi giá mua sẽ không phải giá do ai đó định đoạt”, ông Long nói.

Chẳng hạn ở NewZealand, hiện có khoảng 20 đơn vị cung cấp, phân phối điện tới các hộ gia đình, giá cả khá cạnh tranh nhau và thường chia theo khung giờ thấp điểm, cao điểm trong ngày hoặc chia theo các gói hộ dùng điện năng thấp hoặc tiêu chuẩn.

Thông thường, hộ gia đình sử dụng dưới 8.000 kWh một năm được xếp vào nhóm “hộ dùng điện năng thấp”. Giá điện bao gồm giá tính trên mỗi kWh cùng phí quản lý hàng ngày và chi phí khác. Mức giá giữa các nhà cung cấp khác nhau, song dao động 0,24 – 0,41 NZD, tương đương 3.673 – 6.275 đồng một kWh với khách hàng dùng gói “ít điện năng” và 0,26 – 0,43 NZD, khoảng 3.979 – 6.581 đồng một kWh. Ngoài ra, các nhà cung cấp còn chia giá theo khung giờ thấp điểm, cao điểm hoặc khuyến mãi dùng điện miễn phí một giờ mỗi ngày…

Dù vậy, theo kinh nghiệm quốc tế lộ trình xây dựng, tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ kéo dài nhiều năm để đảm bảo tính ổn định, như Singapore mất 21 năm để có thị trường bán lẻ cạnh tranh hoàn chỉnh.

Còn với Việt Nam, theo kế hoạch đưa ra chỉ còn hơn 3 năm nữa là tới “giờ G”. Ông Trần Đình Long nói, vẫn còn rất nhiều việc nhà chức trách phải làm để tiến tới thị trường này. Yếu tố đầu tiên, theo ông là hạ tầng cơ sở kỹ thuật. “Tới giai đoạn bán lẻ cạnh tranh, mạng thông tin điện lực phải rất phát triển, bởi khi đó lượng thông tin trao đổi sẽ lớn gấp nhiều lần bây giờ. Khâu đo đếm điện năng cũng cần hoàn thiện hơn”, ông nêu.

Ngoài ra, cơ chế vận hành thị trường, khung pháp lý cho thị trường để các đơn vị khi tham gia có thể vận hành trơn tru cũng là vấn đề nhà chức trách cần tính tới.

“Sẽ tốn khá nhiều công sức, tiền và nỗ lực để xây dựng hạ tầng cơ sở kỹ thuật, khung pháp lý đáp ứng điều kiện thị trường bán lẻ cạnh tranh hoàn chỉnh”, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nhận xét.

Anh Minh

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img