Giá bộ phát Wi-Fi Mesh ngày càng rẻ

Từ mức gần 10 triệu đồng cho bộ Mesh Wi-Fi gồm 3 node, người dùng hiện đã có các lựa chọn với giá từ một triệu đồng.

Wi-Fi Mesh đã có từ lâu nhưng phải tới năm 2016, công nghệ này mới được áp dụng cho các bộ phát Wi-Fi dân dụng. Khi đó, Google là một trong những nhà sản xuất đầu tiên ra mắt thị trường và lập tức thu hút được sự chú ý của giới công nghệ. Google Wi-Fi có khả năng phủ sóng rộng, lắp đặt dễ dàng và đặc biệt là kết nối ổn định, ít suy hao băng thông – điều mà thiết bị nhại sóng (repeater) trước đó không thể làm được. Sản phẩm sau đó nhanh chóng có mặt tại Việt Nam thông qua đường xách tay, nhưng một bộ Google Wi-Fi gồm 3 thiết bị (node) khi đó cũng có giá trên dưới 8 triệu đồng.

Một bộ Google WiFi hồm ba node.

Một bộ Google WiFi hồm ba node.

Giá cao trong khi công nghệ Mesh còn xa lạ khiến Google Wi-Fi không được nhiều người Việt chú ý. Các lựa chọn từ những nhà sản xuất uy tín khác cũng có giá cao không kém như Eero (499 USD) hay Ubiquiti UniFi UAP-AC-PRO (379 USD) cùng cho bộ ba node. Các thiết bị Wi-Fi Mess vì thế không được các thương gia trong nước “mặn mà”. Mesh Wi-Fi khi đó được coi là công nghệ “dành cho nhà giàu”.

Sau bốn năm, thị trường bộ phát Wi-Fi Mesh đã có nhiều thay đổi, nhiều nhà sản xuất tham gia hơn và có nhiều lựa chọn giá rẻ. Ví dụ, Tenda Nova MW3 có giá trung bình khoảng 700.000 đồng mỗi node (bộ 3 node có giá khoảng 2 triệu đồng). Nếu chọn mua phiên bản nội địa với tính năng tương tự, mỗi node chỉ có giá chưa tới 500.000 đồng. TP-Link cũng có bộ Wi-Fi Mesh với 3 node giá chỉ 1,9 triệu đồng tên là Deco E4. Nếu chấp nhận các thương hiệu ít tên tuổi hơn, người dùng thậm chí chỉ cần bỏ ra chưa tới một triệu đồng cho bộ ba thiết bị như Mercusys Halo S3.

Tenda Nova MW3 có giá chưa tới 2 triệu đồng cho bộ ba node.

Tenda Nova MW3 có giá chưa tới 2 triệu đồng cho bộ ba node.

Ngoài các thương hiệu nước ngoài, hai nhà mạng tại Việt Nam là VNPT và Viettel gần đây cũng ra mắt bộ phát Wi-Fi Mesh là iGate EW12S và HomeWiFi với giá trung bình từ 700.000 đồng mỗi node. Thời gian tới, người dùng có thể được tặng thiết bị này miễn phí khi lắp gói dịch vụ Internet đi kèm.

Ngoài ra, thay vì phải mua cả bộ gồm 3 node như trước đây, người dùng có thể lựa chọn số lượng theo nhu cầu, thậm chí một node. Nếu không dư dả kinh tế, có thể chọn cách đầu tư dần – chỉ cần mua một thiết bị (một node) để dùng như một bộ phát Wi-Fi thông thường sau đó mua thêm node khi cần mở rộng độ phủ sóng. Các model như Xiaomi AX1800, AX3600 đều bán lẻ như bộ phát Wi-Fi truyền thống, nhưng có thêm tính năng tự động kết nối với các thiết bị tương tự mua thêm sau này để tạo thành hệ thống Mesh.

Theo anh Trần Đức Kiên, một chuyên gia tư vấn lắp đặt thiết bị mạng, thị trường bộ phát Wi-Fi công nghệ Mesh đa dạng và có nhiều lựa chọn giá rẻ hơn trước. Các model cao cấp từ Google, UniFi, Linksys hay Aruba có giá tối thiểu khoảng hơn hai triệu đồng mỗi node nhưng cường độ sóng mạnh hơn, xuyên tường tốt, băng thông truyền tải giữa các node ổn đinh và tốc độ cao. Anh Kiên cho rằng khi Wi-Fi Mesh rẻ đi, người dùng nên lựa chọn để thay thế cho phương pháp sử dụng repeater cũ.

Một hệ thống Mesh Wi-Fi giúp hạn chế điểm mù, giữ kết nối, tốc độ được ổn định ở mọi vị trí.

Một hệ thống Mesh Wi-Fi giúp hạn chế “điểm mù”, giữ kết nối, tốc độ được ổn định ở mọi vị trí.

Hệ thống Whole Home Wi-Fi hay còn gọi là Wi-Fi Mesh được phát triển do yêu cầu ngày càng cao của người dùng về mở rộng độ phủ sóng cũng như tính ổn định của kết nối. Các bộ phát (router) truyền thống có phạm vi phát sóng giới hạn và tín hiệu bị suy giảm đáng kể khi phải xuyên qua 2 đến 3 lớp tường trở lên. Trong khi đó, các bộ mở rộng tín hiệu (repeater) thông thường không có độ ổn định cao, đặc biệt là về tốc độ kết nối.

Một bộ Wi-Fi Mesh bao gồm hai hoặc nhiều module đơn lẻ, hay còn gọi là các trạm hoặc nút (node), có kiểu dáng giống hệt nhau. Trong đó, chỉ có một bộ định tuyến chính cần kết nối với đường mạng Internet. Điểm đặc biệt là chúng có thể giao tiếp liên tục với nhau. Thông thường, mỗi node sẽ dành một nửa tổng băng thông hỗ trợ để “liên hệ” với các node còn lại giúp mở rộng vùng phát sóng và đảm bảo tốc độ truyền ổn định. Đây là ưu điểm so với cách mở rộng phát sóng cũ bởi repeater chỉ có thể đảm bảo chất lượng “tạm ổn” khi được kết nối với router chính.

Tuấn Hưng

Nguồn bài viết

Bài trướcKiểm tra hơn 300 dự á‌n Hà Nội bị bỏ hoang
Bài tiếp theoỒ ạt đầu tư điện mặt trời mái nhà để hưởng giá cao