HomeThương trườngGelex đặt mục tiêu thâu tóm Viglacare

Gelex đặt mục tiêu thâu tóm Viglacare

Ban lãnh đạo Gelex xác định việc nâng sở hữu trên 51% tại Viglacera là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong năm nay.

Trong khi nhiều doanh nghiệp xây dựng kịch bản kinh doanh theo đại dịch, Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) vừa trình cổ đông tại phiên họp sáng nay (18/6) kế hoạch kinh doanh theo giả định liên quan đến kế hoạch M&A.

Theo đó, nếu hoàn tất việc thâu tóm Tổng công ty Viglacera, Gelex đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 19.600 tỷ và 975 tỷ đồng. Trong trường hợp không thực hiện được trong năm nay, doanh thu và lợi nhuận còn 17.500 tỷ và 735 tỷ đồng. 

“Việc chi phối Viglacera là nhiệm vụ hàng đầu trong năm nay”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, đánh giá. 

Trong báo cáo gửi cổ đông, Gelex cho rằng Covid-19 không có tác động lớn đến ngành nghề kinh doanh chính, trừ mảng sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng. Theo đó, công ty vẫn lên các kế hoạch đầu tư và kinh doanh như bình thường. Gelex tiếp tục giữ định hướng trở thành công ty dạng holdings, mục tiêu trong năm nay là hoàn tất các thương vụ như mua cổ phần chi phối Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, Công ty Dây đồng Việt Nam CFT và thoái vốn khỏi công ty phụ trách logistics.

Việc thâu tóm Viglacera cũng nằm trong chiến lược phát triển mảng bất động sản khu công nghiệp, do ban lãnh đạo Gelex đánh giá thời điểm này là cơ hội để hưởng lợi dòng vốn đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

“Chiến lược của Gelex trong ba năm tới là tập trung đón đầu các nhà đầu tư sau dịch. Tuy nhiên Gelex không chỉ cung cấp hạ tầng bất động sản khu công nghiệp mà còn đầu tư các dịch vụ kèm theo như xây dựng hệ thống nhà kho, nước sạch đến nhà ở xã hội giá rẻ”, ông Tuấn nói.

Chiến lược phát triển mảng này là Gelex sẽ tìm kiếm và mua lại các khu công nghiệp, đóng vai trò chủ đầu tư còn Viglacera sẽ là đơn vị phát triển dự án. Điều này sẽ giúp hạn chế được điểm yếu về thủ tục phức tạp trong quy trình đầu tư của Viglacera. Trong 6 tháng cuối năm, Gelex cho biết sẽ xúc tiến mua 4 khu công nghiệp để phát triển.

Theo báo cáo quản trị của Viglacera, đến đầu năm 2020, nhóm cổ đông liên quan đến Gelex đang sở hữu gần 25% cổ phần. Cổ đông lớn nhất của Viglacera là Bộ Xây dựng sở hữu gần 38,6%. Nếu mua lại phần vốn của Bộ Xây dựng, Gelex có thể nâng sở hữu lên hơn 60% vốn.

Minh Sơn

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img