Đường bay ‘né’ Tân Sơn Nhất ‘gây bão’ mạng xã hội

Đường bay ngoằn ngoèo của một máy bay từ Đài Loan chưa thể hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất chiều 14/6 được 14 nghìn lượt thích trên mạng xã hội.

Tối 14/6, đoạn video ghi lại đường bay của chiếc máy bay số hiệu BR395 đi từ Đài Bắc đến TP HCM qua ứng dụng FlighRadar24 được chia sẻ trên một nhóm Facebook. Video nhanh chóng được hơn 14 nghìn lượt thích và gần 2 nghìn bình luận.

Đường bay của BR395 trước khi hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất

Máy bay tới từ Đài Loan số hiệu BR395 phải bay hàng chục vòng trên bầu trời trước khi hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất. 

Trong video, máy bay của hãng EvaAir đang đi thẳng bỗng dưng chuyển hướng bay vòng, lượn hàng chục lần trên bầu trời Buôn Ma Thuật, Đăk Nông và Lâm Đồng. Thậm chí khi tiến gần đến Tân Sơn Nhất, BR395 tiếp tục đi nhiều vòng trên khu vực Đồng Nai. Đường bay của BR395 loằng ngoằng trên bản đồ của ứng dụng FlightRadar. Theo thông tin ứng dụng này ghi nhận, BR395 mất hơn 7 tiếng cho đường bay từ Đài Bắc đến TP HCM, dài hơn 3 tiếng so với mọi khi.

Trong phần bình luận, nhiều người “vừa buồn cười, vừa thương” cho chiếc máy bay trên, khi không thể hạ cánh ngay lập tức xuống Tân Sơn Nhất, dù đã đến rất gần. Do ảnh hưởng của sự cố máy bay trượt khỏi đường băng trưa 14/6, máy bay của hãng EvaAir không thể hạ cánh.

Những quỹ đạo lạ mắt của máy bay được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. 

Đường bay lạ mắt của một chuyến bay ngày 14/6.

Không chỉ BR395, đường bay của hàng loạt chuyến bay hạ cánh tại Tân Sơn Nhất hôm qua có thể theo dõi được qua ứng dụng. Nhờ những ứng dụng như FlightRadar24, người dùng còn tìm thấy nhiều đường bay phức tạp của các máy bay khi có ý định tới Tân Sơn Nhất vào chiều 14/6. Chẳng hạn, một chuyến bay cũng từ Đài Bắc, phải bay vòng thành hình số 8 và quay lại điểm xuất phát. Một máy bay khác khởi hành từ Huế đi TP HCM đã “vẽ” hình chiếc nơ trên bầu trời, hay nhiều máy bay khác phải bay lòng vòng, “vẽ” hàng chục hình tròn trong lúc chờ hạ cánh.

Có hàng loạt phần mềm theo dõi máy bay miễn phí trên App Store và Google Play. Trong đó, người dùng có thể tìm mã chuyến bay, sân bay hoặc hãng hàng không. Bên cạnh việc theo dõi đường bay theo thời gian thực, người dùng có thể xem lại lịch trình bay từ nhiều ngày trước.

Các ứng dụng như FlightRadar24, The Flight Tracker, Flight Board… thu hút được hàng triệu lượt tải từ Việt Nam, đứng trong top những ứng dụng thuộc lĩnh vực Du Lịch trên iOS và Android. Ngoài đáp ứng nhu cầu của người thường xuyên di chuyển bằng máy bay, các ứng dụng này còn được giới tài xế tại Việt Nam sử dụng để biết thời gian máy bay hạ cánh, cất cánh để lên lịch đón khách. 

Quý Văn

Nguồn bài viết

Bài trướcĐại biểu nóng ruột với đường sá ở Đồng bằng sông Cửu Long
Bài tiếp theoHọc sinh đi cáp treo lên núi nhận bằng tốt nghiệp