Tương tự, với lời khen cũng vậy. Ai lại đợi đến lúc con đạt giải Nobel mới dành lời khen tặng?
Để lời khen không là “chiếc kẹo gây sâu răng”
Bạn có thường xuyên khen con bạn không? Bởi tôi biết có nhiều người phải đợi đến khi con mình đạt giải Nobel họ mới chịu khen con. Lý do là nhiều bậc cha mẹ lo sợ “khen con nó sẽ sinh hư” hoặc “khen nó lại chủ quan”.
Trước khi nói về chuyện khen con, nên hay không và khen thế nào, tôi muốn nói đến thành công và đam mê, cái nào có trước?
Như chúng ta được học và được dạy lâu nay thì thành công có từ đam mê. Phải đam mê mới có thành công. Thế nên ngày trẻ, nhiều người có đến cả triệu đam mê mà vẫn chẳng có nổi một thành công. Thế nên người trẻ có nhiều người đam mê mãi, đam mê hoài một thứ để rồi cuộc đời lỡ dở vì chờ mãi chẳng thấy thành công đâu. Lại có nhiều người trẻ khác chọn làm thứ công việc mình không đam mê chỉ để kiếm tiền nuôi những đam mê. Chỉ một vài người đam mê và gặp may mắn nên mới thành công.
Từ câu chuyện của bản thân và không ít người, tôi nhận ra rằng, thành công đôi khi đến trước rồi mới có đam mê. Đam mê sau khi thành công sẽ giúp thành công bước thêm nhiều bậc nữa. Nhất thiết phải có một thành công đủ cú huých cho đam mê bước tiếp.
Ở đây, muốn chia sẻ với các bậc phụ huynh một điều: Làm ơn, hãy cho con bạn một thành công trước thay vì bắt chúng phải có đam mê trước. Mà với lũ trẻ, thước đo sự thành công, ban đầu chỉ và luôn chỉ là: nhận được lời khen của bố mẹ.
Không phải là lời khen kiểu “con mẹ xinh lắm!” hay “bức tranh con vẽ rất đẹp” hoặc “bố mẹ tự hào về con”. Những lời khen đó không có giá trị khích lệ tinh thần mà nó giống như những lời ban phát. Nó chỉ là những chiếc kẹo và rất dễ gây sâu răng “tự mãn”.
Tôi muốn nói về sự thừa nhận và định hướng. Khi bạn thừa nhận về việc con bạn có trách nhiệm về việc học tập và mọi thứ, nó sẽ có giá trị hơn những lời khen đẹp trai hay học giỏi rất nhiều. Hãy nhìn nhận sự nỗ lực hoàn thành trách nhiệm của con bạn chứ không nhìn vào kết quả mà con bạn đã đạt được.
Hay là việc bạn cho con bạn biết được rằng ba mẹ rất tin tưởng chúng, khích lệ chúng. Tôi vẫn thường hỏi con mình: “Con có thấy tự hào vì con đã làm được điều đó không?” thay vì tôi nói: “Bố tự hào về con!”. Bởi nếu chỉ là “bố tự hào về con” thì chắc chắc lời khen đó sẽ khiến con chán nản. Trẻ muốn làm điều trẻ muốn làm chứ không phải làm để bố tự hào.
Hãy khen con theo cách mà chúng trông đợi. Ví dụ con bạn muốn trở thành chàng trai có trách nhiệm. Con bạn muốn được tin cậy. Con bạn muốn tìm thấy mục tiêu để theo đuổi. Mỗi đứa trẻ đều trông đợi khác nhau ở cha mẹ chúng. Hãy hiểu con mình trước khi đưa ra một lời khen.
Một lời khen trúng đích có giá trị như “một liều doping”
Khi các con có một trải nghiệm thành công, các con sẽ có thêm tự tin. Rồi mai này, khi bước vào những trải nghiệm khác, các con sẽ dùng chính thành công hôm nay để tin vào bản thân mình, quyết tâm vì thế sẽ mạnh hơn.
Tôi thích cách mà cô giáo chủ nhiệm của lớp con tôi chia sẻ hôm họp phụ huynh: “Cô muốn các con được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, nhiều cuộc thi để gia tăng bản lĩnh, dạn dày hơn, kinh nghiệm hơn cho mai này”. Tôi đồng ý. Bước qua nỗi rụt rè, nhút nhát cần lòng tin vào chính mình.
Nhiều cha mẹ sợ khen con vì nghĩ con sẽ tự mãn, kiêu ngạo. Nhưng ít khen con giống như bắt chúng chạy marathon mà không tiếp nước. Áp lực không khiến chúng mạnh hơn mà chỉ khiến chúng kiệt sức. Tôi vẫn cho rằng hãy khen con để con có thứ mà kiêu hãnh. Kiêu hãnh khác kiêu ngạo ở việc kiêu hãnh là tự hào về những gì mình làm được còn kiêu ngạo là sự ích kỷ với những gì mình có và mặc kệ những người xung quanh. Vì thế, trong những lời khen tặng dành cho con, tôi muốn con kiêu hãnh và tự hào với những gì con đã làm được chứ không phải những gì tôi thấy ở kết quả.
Ngày 1.6 vừa qua, tôi không hỏi các cha mẹ sẽ mua quà gì tặng con đâu. Tôi chỉ mong rằng các cha mẹ dành ra nhiều hơn chút nữa lòng hiểu về con mình. “Nghiên cứu” con mình kỹ hơn nữa để có những lời khen trúng đích, nuôi lớn đam mê cho con mình bằng những thành công bước đầu của con.