Đòn đánh TikTok, WeChat gia tăng chia rẽ Internet

Những sắc lệnh nhằm vào TikTok, WeChat cho thấy Mỹ sẵn sàng hành động mạnh tay như Trung Quốc, gây nguy cơ phân cực và chia rẽ Internet sâu sắc.

Trung Quốc và Mỹ từng có cách quản lý Internet hoàn toàn đối lập. Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ nội dung trên mạng, chặn nhiều website nước ngoài và bảo hộ công ty nội địa nhằm phát triển những giải pháp thay thế các sản phẩm phương Tây. Trong khi đó, Washington theo đuổi phương pháp cởi mở, thúc đẩy khả năng phát triển của nhiều tập đoàn khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu.

Tuy nhiên, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm cá nhân, tổ chức tại Mỹ giao dịch với ByteDance và Tencent, chủ sở hữu của TikTok và WeChat hồi tháng trước, Nhà Trắng cho thấy họ sẵn sàng áp dụng chiến thuật “ngăn sông cấm chợ” của Trung Quốc.

Trụ sở Tiktok tại bang California, Mỹ. Ảnh: AFP.

Trụ sở Tiktok tại bang California, Mỹ. Ảnh: AFP.

Trump sau đó còn ký sắc lệnh yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi hoạt động của TikTok tại Mỹ trong 90 ngày, đồng thời cảnh báo có thể gia tăng áp lực nhằm vào nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có Alibaba. Nhà Trắng hôm 17/8 cũng thêm 38 chi nhánh của Huawei vào “danh sách đen”, hạn chế công ty này tiếp cận công nghệ chip qua bên thứ ba.

Những động thái này cho thấy hướng đi mới của Mỹ trong quản lý công nghệ, gần giống với chính sách bảo hộ của Trung Quốc. Điều đó có thể gây hại cho những tập đoàn lớn như Facebook và Google, vốn thu được nhiều lợi ích từ môi trường không biên giới trên mạng Internet, cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm cách mở rộng sang phương Tây như Tencent và Alibaba.

Nếu nhiều quốc gia theo bước Mỹ và kiểm soát thế giới kỹ thuật số dựa trên quan hệ ngoại giao, các mục tiêu bảo hộ nội địa hoặc an ninh thông tin cho người dân, mạng Internet có thể sẽ bị phân chia rõ rệt và trở nên giống biên giới địa lý gây khó khăn cho đi lại giữa các nước như hiện nay.

“Một lệnh cấm toàn diện sẽ dẫn đến những đòn đáp trả và đào sâu tình trạng chia rẽ trên mạng Internet từ nhiều năm nay”, Ron Deibert, Giám đốc nhóm nghiên cứu Citizen Lab thuộc Đại học Toronto ở Canada, nhận xét.

Sắc lệnh của Trump nhằm vào TikTok và WeChat dự kiến có hiệu lực từ ngày 20/9, được coi là biện pháp bảo vệ công dân Mỹ khỏi nỗ lực thu thập dữ liệu của Trung Quốc. Đây là một phần trong chính sách đáp trả “có đi có lại” trong cuộc đối đầu Mỹ – Trung xoay quanh những vấn đề như thương mại, chính sách công nghiệp và quản lý thông tin.

Tuy nhiên, nó cũng có thể khiến Mỹ phải trả giá đắt. Có ít quốc gia áp dụng biện pháp đóng cửa bảo hộ doanh nghiệp nội địa như Trung Quốc, nhưng nhiều chính phủ đã tỏ ra lo ngại trước sự thống trị của các doanh nghiệp Mỹ như Facebook, Google và Amazon trong lãnh thổ của họ, đồng thời đang xem xét áp đặt những loại thuế và giới hạn mới.

Việc chính quyền Trump công kích TikTok và WeChat có thể khiến nhiều nước đánh giá lại sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp công nghệ Mỹ.

Phần mềm và ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc đang có cơ hội đẩy lùi sản phẩm của phương Tây ở những nước đang phát triển. Trung Quốc đã dành nhiều năm để mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông, trong đó các nhà sản xuất smartphone và thiết bị viễn thông đang chiếm ưu thế nhờ tập trung vào cung cấp sản phẩm giá rẻ.

Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm soát Internet từ cuối thập niên 1990 với việc xây dựng “Tường lửa Vĩ đại”. Chính quyền nước này coi Internet là vấn đề hệ trọng với an ninh và toàn vẹn quốc gia, dẫn tới những chính sách kiểm soát chặt chẽ nội dung trên mạng, đồng thời chặn nhiều ứng dụng lớn của Mỹ như Google, Facebook và Twitter.

Cùng lúc đó, các tập đoàn nội địa như Alibaba, Baidu và Tencent phát triển nhanh chóng nhờ thị trường hơn một tỷ dân. Người dùng Internet Trung Quốc đã quen thuộc với các trang tìm kiếm, thương mại điện tử và mạng xã hội do nước này tự phát triển, họ gần như không biết đến những ứng dụng nổi tiếng thế giới như Facebook và Instagram.

Nhiều chính trị gia Mỹ từng chỉ trích chính sách của Trung Quốc, nhưng gần như không có hành động thực tế nhằm đáp trả. Các đời tổng thống trước đây cho rằng nước Mỹ đủ lớn mạnh để trở thành tấm gương phát triển cho thế giới và không cần ra tay với Trung Quốc.

Trải qua nhiều năm, tốc độ phát triển kinh tế và những mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc đã làm xói món sự tự tin đó. Sự xuất hiện của Tổng thống Trump đã thay đổi tình hình, mở ra thời kỳ “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trump họp báo tại Nhà Trắng hôm 10/8. Ảnh: AFP.

Trump họp báo tại Nhà Trắng hôm 10/8. Ảnh: AFP.

Các công ty Trung Quốc hoạt động tại Mỹ đang buộc phải áp dụng những chiến thuật từng được công ty Mỹ dùng để né tránh những biện pháp kiểm soát ở Trung Quốc. Những biện pháp này gồm thoái vốn và chia cắt tài sản, nắm cổ phiếu thiểu số ở các công ty mới và thay đổi nơi lưu trữ dữ liệu khách hàng.

Chính quyền Trump cũng đang thúc đẩy mở cửa Internet và đòi lợi ích cho những tập đoàn công nghệ Mỹ bằng cách ngăn cản nỗ lực kiểm soát nền kinh tế kỹ thuật số của các nước khác. Nỗ lực này gồm chiến dịch phản đối những loại thuế dịch vụ điện tử nhắm tới Google, Amazon ở Pháp, Anh, Italy và Ấn Độ, đồng thời phản đối châu Âu chặn dữ liệu người dùng chuyển về Mỹ vì lo ngại quyền riêng tư.

Điệp Anh (theo New York Times)

Nguồn bài viết

Bài trướcNuôi hàng ngàn con cá leo to bự trong ao đất, chưa bắ‌t bán thương lái đã ‘gạ’ mua
Bài tiếp theoTNR Amaluna giữ nhịp thi công giữa Covid-19