Độc giả VnExpress cùng xây trường gần biên giới

Sơn La Lớp học mới do độc giả VnExpress góp tiền xây dựng ở bản Huổi Áng là nơi đồng bào gặp nhau để xóa mù chữ, xóa nghèo, xóa hủ tục.

Trong cái nắng tháng 5, 19 phụ nữ Mông họp mặt tại căn nhà dựng bằng ván gỗ đầu bản Huổi Áng. Đây là bản nghèo nhất xã Mường Lèo, cũng là xã nghèo nhất tỉnh Sơn La. Căn nhà ghép bằng 100 miếng ván, kê vài bộ bàn ghế và một tấm bảng, là “ngôi trường” duy nhất trong bản. Họ tụ họp để học lớp xóa mù chữ do bộ đội biên phòng tổ chức.

Phòng học này là “điểm trường” thuộc quản lý của trường THCS và tiểu học Mường Lèo. Bà con trong bản và thầy giáo đã dựng lên để trẻ con có thể học hết tiểu học ngay trong bản. “Ngôi trường” gần nhất được xây kiên cố cách đó hơn 2 tiếng đồng hồ đi bằng xe SUV hai cầu, qua những con suối sâu và những đoạn dốc đứng đầy đá hộc, lầy lội chỉ sau cơn mưa nhỏ.

Những “điểm trường” bằng gỗ tạm như thế là cách duy nhất để thầy cô ở Mường Lèo có thể đảm bảo trẻ trong độ tuổi được đến trường. Hàng ngày, các thầy sẽ di chuyển từ xã, qua con đường mòn 2 tiếng xuyên núi để vào Huổi Áng, và tổ chức các lớp học đến chiều. Những ngày mưa, họ phải ở lại trong bản, nơi không có nước sạch, không có điện.

Lớp tiểu học cũ tại Huổi Áng. 

Lớp tiểu học cũ tại Huổi Áng. 

Ngoài công năng lớp tiểu học, tại những vùng đất như bản Huổi Áng, phòng học còn là nơi để tổ chức lớp xóa mù cho người lớn. Hầu hết thành viên của lớp xóa mù là phụ nữ, những người theo phong tục của các thế hệ trước, phải lấy chồng từ rất sớm, không được đi học.

Có thời điểm chính quyền ước tính “đến 70% dân số trong vùng mù chữ”, theo phó chủ tịch xã Tòng Văn Hương. Họ đến lớp xóa mù, nhận tập vở và bắt đầu lại hành trình tìm con chữ đôi khi ở tuổi 40. Học chữ là cách họ hy vọng có thể cải thiện công việc lao động sản xuất thường ngày.

Phòng học lợp mái tôn nằm giữa một khu đất bằng trên đỉnh đồi. Không có điện, trẻ con và người lớn nhễ nhại mồ hôi trong mùa hè, và lạnh run giữa mùa đông.

Phó chủ tịch Hương nhẩm tính bây giờ tỷ lệ người mù chữ, sau những lớp học xóa mù tại bản đã giảm xuống quá nửa. Nhưng căn nhà đầy trọng trách đó không chịu được nắng mưa. “Nếu không có gốc cây cao ở cạnh thì trường đã bay mất rồi”, các thầy giáo trong bản tâm sự.

Tháng 10/2019, Quỹ Hy vọng của báo VnExpress kêu gọi xây dựng điểm trường mới cho thầy và trò Huổi Áng. Khung cảnh của “Ngôi trường xây bằng một trăm miếng ván” nhanh chóng thu hút được hơn 1.000 lượt quyên góp từ độc giả.

Công trình cũng nhận được nguồn vốn từ Quỹ Thiện Tâm (Vingroup), sơn từ hãng Nippon và tư vấn giám sát bởi Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam VNCC. Hãng bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life, trong sự kiện chạy bộ ekiden tại Hà Nội vào tháng 11/2019, cũng kêu gọi các vận động viên và quyên góp được 225 triệu đồng cho điểm trường.

Với hơn 600 triệu đồng từ Quỹ Hy vọng, ngôi trường kiên cố với 3 phòng học được xây dựng ở giữa bản. Hai phòng sẽ dành cho học sinh tiểu học, một phòng dành cho các bé mẫu giáo. Xen vào thời gian học của các con sẽ là những lớp học dành cho người lớn.

Điểm trường mới trong ngày khánh thành.

Điểm trường mới trong ngày khánh thành.

Điểm trường mới được khánh thành vào tháng 6/2020, ngay sau khi bộ đội biên phòng Sơn La bắt đầu tổ chức những lớp xóa mù mới và kịp cho một năm học mới 2020-2021 cho học sinh tại Huổi Áng.

Ngày khánh thành, các nhà tài trợ tải lên bản Huổi Áng mấy thùng sữa. Học sinh trong bản mỗi em được nhận một hộp sữa với mấy cái bánh làm quà. Thầy giáo và đại diện chính quyền bày tỏ sự xúc động, vì đã có ngôi trường khang trang và “nhiều em ở đây trong đời chưa bao giờ được uống hộp sữa”.

“Ánh sáng học đường” là chương trình xây dựng hạ tầng giáo dục của Quỹ Hy vọng, thuộc báo VnExpress. Từ năm 2018, chương trình đã xây dựng 5 công trình tại các vùng khó khăn, từ Nam Trà My (Quảng Nam) đến Hoàng Su Phì (Hà Giang). Năm 2020, với việc mỗi vận đông viên tham dự VnExpress Marathon sẽ đóng góp 10% phí tham dự cho Quỹ Hy vọng, chương trình dự kiến sẽ khởi công thêm 2 điểm trường nữa tại miền Trung.

Quỹ Hy vọng

Nguồn bài viết

Bài trướcKim Gia Phạm tham gia triển lãm Vietbuild TP HCM 2020
Bài tiếp theoQuay đầu giảm cả 2 chiều