HomeThương trườngDoanh nghiệp vừa và nhỏ lo bị thâu tóm khi vào EVFTA

Doanh nghiệp vừa và nhỏ lo bị thâu tóm khi vào EVFTA

EVFTA mở ra cơ hội cho doanh nghiệp vào thị trường quy mô GDP 18.000 tỷ USD, song cũng đối diện nguy cơ bị nhà đầu tư ngoại thâu tóm. 

Lo lắng trên được bà Nguyễn Mỹ Thuận – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ chia sẻ tại hội nghị trực tuyến ngày 5/6. 

“Khi họ (doanh nghiệp châu Âu) vào thì liệu có dẫn tới xu hướng thâu tóm một số ngành công nghiệp chủ yếu của Việt Nam? Điều này có lợi hay hại gì cho Việt Nam và doanh nghiệp cần chuẩn bị ra sao để không đánh mất mình”, bà Thuận đặt loạt câu hỏi về phía lãnh đạo Bộ Công Thương.

Băn khoăn này nhận được sự chia sẻ từ đại diện một doanh nghiệp sản xuất thủ công mỹ nghệ tại TP HCM. Bà cho rằng, Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn tới sự chuyển dịch đầu tư, đa dạng hoá chuỗi cung ứng từ các tập đoàn đa quốc gia. Xu hướng này cũng có thể dẫn tới điểm bất lợi, là doanh nghiệp nhỏ và vừa bị “nuốt chửng” trước sự đổ bộ ồ ạt của các công ty Mỹ, EU, Nhật… 

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham dự hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Anh Minh

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham dự hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Anh Minh

Nhận xét “hội nhập là cuộc chơi bình đẳng”, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đánh giá, sức ép mua bán sáp nhập (M&A) sẽ giúp doanh nghiệp trong nước, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa “lớn” lên. EVFTA, theo ông, là sân chơi thương mại giữa Việt Nam và thị trường quy mô 18.000 tỷ USD nên “không thể tránh khỏi sẽ có người thắng, người thua”. 

“Doanh nghiệp nếu chỉ lo sợ bị thâu tóm mà không đổi mới mình thì khó trụ vững được trong bối cảnh hội nhập mới. Ngoài tinh thần cầu thị, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy thì mới thành công được”, ông Thân nhìn nhận. 

Ông nói thêm, doanh nghiệp phải thay đổi, tìm hiểu kỹ nội dung hiệp định và thích ứng kịp thời mới có thể tồn tại được. Sự hỗ trợ chính sách từ phía các bộ, ngành là chất xúc tác.

“Thời đại hội nhập mà không đi nghe, đi hiểu thì rất nguy hiểm. Không cẩn thận chúng ta không những thua về khả năng mà còn thua cả về luật”, ông Thân nói.

Bổ sung, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, hoạt động M&A trong kinh tế thị trường quy mô toàn cầu hoá hiện nay là phổ biến. Song, việc Covid-19 tác động, làm đứt gãy chuỗi cung ứng vừa qua cũng khiến nhiều quốc gia buộc phải điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, đa dạng hoá chuỗi cung ứng để tránh phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất.

Với Việt Nam, ông cho biết, Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư làm đầu mối cùng các bộ, ngành nghiên cứu chính sách thu hút đầu tư mới để đón sóng dịch chuyển, trong đó lưu ý sự sàng lọc vốn ngoại vào một số lĩnh vực đầu tư cụ thể đảm bảo an ninh, lợi ích quốc gia. “Chúng ta hướng tới sự thu hút vốn ngoại từ các quốc gia có công nghệ mới”, ông chia sẻ. 

Không những lo bị thâu tóm, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa còn e ngại họ bị hụt hơi trong cuộc chơi mới khi khó khăn cả về vốn, nguồn lực. Đại diện một doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội nói, thực tế mọi thứ vẫn còn “chung chiêng”, không có nhiều vốn khiến họ không dám mở rộng đầu tư, trong khi muốn xuất hàng sang thị trường như EU phải đầu tư bài bản, kỹ càng.

Ông Nguyễn Văn Thân cũng nói, thực thi EVFTA, các doanh nghiệp không khỏi lúng túng, trăn trở vì nguồn vốn hạn chế. Trong khi các điều kiện của hiệp định về công nghệ kỹ thuật, môi trường, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, tỷ lệ nội địa hoá… là rất khắt khe, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư kỹ càng. 

Vị này đề xuất Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành nhanh chóng đưa ra bộ tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chí cụ thể về ưu đãi của EVFTA; xây dựng cổng thông tin dữ liệu doanh nghiệp, “chợ” trên nền tảng số hoá. Thay vì tổ chức các hội chợ triển lãm tốn kém, doanh nghiệp hoàn toàn có thể “đưa lên chợ online sản phẩm của mình, quảng bá với đối tác”. 

Để tiếp sức cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sẽ cùng bàn với Ngân hàng Nhà nước để có cơ chế tín dụng tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. “Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là đối tượng ưu tiên hỗ trợ trong thực thi EVFTA tới đây”, ông nói. 

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo liên quan tới thương mại hàng hoá, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ… 

Theo thoả thuận ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế (70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU). Sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế (99,7% kim ngạch xuất khẩu). Với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

EU là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, năm 2019 kim ngạch hai chiều gần 56,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 41,5 tỷ và nhập khẩu từ EU là15 tỷ USD. Dự kiến, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA vào ngày 8/6. 

Anh Minh

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img