Hôm qua (18.11), Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) đã cùng Tổng cục Thuế (Bộ
Tài chính) tổ chức hội thảo công bố “Đánh giá
cải cách thủ tục hành chính thuế – mức độ hài lòng của
doanh nghiệp (DN) năm 2019”. Đây là lần thứ 3 báo cáo này được thực hiện, sau các năm 2014 và 2016.
Cán bộ thuế Bình Dương bị “nhắc nhở”
Tổng cục Thuế vừa có công văn nhắc nhở Cục Thuế tỉnh Bình Dương về việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương công vụ đối với công chức, viên chức tại đơn vị này. Do thời gian qua một số người nộp thuế phản ánh cơ quan thuế gây khó khăn, hồ sơ DN gửi đến rất lâu nhưng không được giải quyết; khi DN đến làm việc thì chỉ dẫn đi lòng vòng qua nhiều phòng, đến giờ làm việc nhưng cơ quan thuế vẫn chưa làm việc khiến lãng phí thời gian của DN. Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế tỉnh Bình Dương rà soát các hồ sơ còn tồn đọng và giải quyết kịp thời, đảm bảo đúng quy định; nâng cao công tác phối hợp với các bộ phận để giải quyết công việc và kịp thời cho người nộp thuế; tăng cường kỷ luật, kỷ cương chấp hành các quy định về thời gian làm việc. Đồng thời, Cục Thuế tỉnh Bình Dương bố trí công chức tại bộ phận giải quyết các thủ tục hành chính thuế của người nộp thuế theo cơ chế “một cửa”…
T.Xuân
|
Năm nay, điểm đánh giá sự hài lòng của DN với cơ quan thuế là 7,79 điểm, tương đương tỷ lệ 78%, tăng 3 điểm % so với cuộc khảo sát năm 2016 và tăng 7 điểm % so với năm 2014. Nếu so với cuộc khảo sát năm 2016 có 3 chỉ số tăng điểm, 2 chỉ số giảm điểm, trong đó chỉ số thành phần “sự phục vụ của công chức thuế” được DN đánh giá là có tiến bộ nhất, tăng 1,5 điểm. Hai chỉ số “tiếp cận thông tin” và “kết quả giải quyết công việc” có kết quả tăng lần lượt là 0,23 điểm và 0,41 điểm. Hai chỉ số thành phần còn lại giảm điểm nhẹ là “thực hiện thủ tục hành chính thuế” (giảm 0,14 điểm) và “thanh tra kiểm tra thuế” (giảm 0,52 điểm).
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, “điểm nóng” trong khảo sát năm nay vẫn là vấn đề thanh tra kiểm tra thuế. “Điều đáng nói là nếu phân theo số năm hoạt động, số vốn của DN thì điều tra cho thấy DN càng quy mô lớn, hoạt động lâu năm thì càng được kiểm tra nhiều. Đáng ra DN lâu năm, lớn thì họ càng có
kinh nghiệm, càng làm tốt thì giảm kiểm tra nhưng xem ra DN nào nổi, có vẻ doanh thu nhiều thì tỷ lệ viếng thăm càng cao”, ông Tuấn nhận xét.
Tương tự, đại diện Công ty TNHH tư vấn thuế Deloitte VN cho biết, đây là vấn đề mà hiện nay các DN vẫn rất bức xúc, nhất là khi các kết quả thanh kiểm tra được diễn giải có lợi cho cơ quan thuế, dẫn đến không minh bạch khiến DN phải khiếu nại, khiếu kiện. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế VN, phản ánh khâu hoàn thuế vẫn khiến DN không hài lòng nhưng không phải nằm ở việc thưc hiện thủ tục hành chính nữa mà ở
chính sách là chính. “Hiện nay hoàn thuế chỉ còn áp dụng với thuế xuất nhập khẩu và đầu tư. Nhưng DN đầu tư mà có doanh thu là không được hoàn nữa, dẫn đến bức xúc của DN”, bà Cúc nói. Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, dù thủ tục của ngành thuế đã được công khai song do có tình trạng một nghị định sửa 4 nghị định, 1 thông tư sửa 7 thông tư nên dẫn chiếu lòng vòng khiến DN rất vất vả khi tra cứu, thậm chí có thủ tục phải đọc đến hơn 20 thông tư khiến chính bà Cúc cũng không thể hiểu và có khi cán bộ cấp chi cục thuế cũng vậy.
Báo cáo của VCCI cũng cho thấy, vẫn còn 74% DN đề xuất cơ quan thuế tiếp tục đơn giản hóa các
thủ tục hành chính thuế; 56% DN đề nghị nâng cao chất lượng các hình thức cung cấp thông tin, trong đó hỗ trợ chi tiết, cụ thể hơn nữa cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ. Có 55% DN đề nghị rút ngắn thời gian và thủ tục hành chính cho các DN tuân thủ tốt pháp luật thuế; 51% DN đề nghị tăng cường ứng dụng
công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính thuế.