HomeThương trườngĐiện mặt trời trang trại nông nghiệp được gỡ khó

Điện mặt trời trang trại nông nghiệp được gỡ khó

Dự án điện mặt trời trang trại được áp giá mua điện mặt trời mái nhà nếu công suất dưới 1 MW, các tấm pin quang điện lắp trên mái công trình xây dựng.

Ngày 22/9, Bộ Công Thương có hướng dẫn về phát triển điện mặt trời mái nhà sau thời gian dài chờ đợi và nhiều kiến nghị vướng mắc từ các chủ đầu tư, nhất là doanh nghiệp đầu tư hệ thống điện mặt trời trang trại kết hợp nông nghiệp.

Cơ quan này dẫn các quy định về hệ thống điện mặt trời mái nhà theo Quyết định 13, công trình xây dựng theo Luật Xây dựng 2014 và Thông tư 03/2016 về mái nhà công trình xây dựng phải phù hợp với công năng, mục đích sử dụng công trình đó.

Trên cơ sở này, hệ thống điện mặt trời trang trại nông nghiệp, thuỷ sản… được coi là điện mặt trời mái nhà nếu các tấm quang điện được lắp trên mái công trình xây dựng và mái này phải phù hợp với công năng sử dụng của công trình đó. Ngoài ra, hệ thống điện mặt trời phải có có công suất dưới 1 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện áp từ 35 kV trở xuống. Như vậy, các trường hợp này sẽ được áp dụng giá mua điện mặt trời mái nhà 8,38 cent một kWh, theo Quyết định 13/2020.

Mỗi hệ thống điện mặt trời mái nhà được ký hợp đồng mua bán riêng biệt và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực nếu thuộc các trường hợp sau: có tổng công suất trên 1 MW (mỗi hệ thống có công suất không quá 1 MW) trên một mảnh đất hoặc mái nhà khu công nghiệp được đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp; hoặc một chủ đầu tư mua lại nhiều hệ thống nằm liền kề nhau, có tổng công suất trên 1 MW. Nhà đầu tư mua lại các dự án dạng này sẽ được kế thừa quyền lợi, nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán điện đã ký trước đó sau khi thực hiện thủ tục chuyển chủ thể hợp đồng.

Chủ đầu tư tận dụng mái nhà văn phòng làm việc, nhà điều hành, nhà bếp, nhà để xe, nhà xưởng… trong khuôn viên dự án điện mặt trời, nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện để đầu tư điện mặt trời mái nhà và đề nghị lắp công tơ riêng có thể được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký hợp đồng nếu thấy phù hợp với quy định tại Quyết định 13.

Một dự án điện mặt trời kết hợp mô hình trang trại nông nghiệp tại Ninh Thuận. Ảnh: Hà Duy.

Một dự án điện mặt trời kết hợp mô hình trang trại nông nghiệp tại Ninh Thuận. Ảnh: Hà Duy.

Bộ Công Thương cũng nêu rõ một số trường hợp không được áp dụng giá bán điện là điện mặt trời mái nhà, như điện mặt trời có công suất dưới 1 MW và không lắp trên mái nhà của công trình xây dựng có công năng độc lập, hay hệ thống điện mặt trời trang trại chăn nuôi, trồng trọt… công suất trên 1 MW hoặc 1,25 MWp; hệ thống điện mặt trời đấu nối vào cấp điện áp 35 kV.

Riêng các kiến nghị ưu đãi nếu lắp điện mặt trời mái nhà có công suất lớn hơn 1 MW, đầm nuôi trồng thuỷ hải sản, trang trại trồng trọt chăn nuôi… có nhu cầu sử dụng tấm quang điện làm mái, Bộ Công Thương cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất và báo cáo Thủ tướng xem xét, để có cơ chế phù hợp sau năm 2020.

Trước đó, khá nhiều chủ đầu tư điện mặt trời trang trại lo lắng mất hàng tỷ đồng khi lắp các hệ thống điện mặt trời nhưng vì thiếu hướng dẫn chi tiết từ Bộ Công Thương nên không thể ký hợp đồng mua bán điện. Một số chủ đầu tư điện mặt trời trang trại dù được công ty điện lực địa phương ghi nhận sản lượng nhưng vẫn chưa được thanh toán tiền điện với EVN. Với hướng dẫn đưa ra lần này sau thời gian dài chờ đợi, các chủ đầu tư cho hay, đã tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách mà họ vấp phải thời gian qua.

Chia sẻ với VnExpress, ông Vũ Đình Khánh – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển năng lượng HIGG cho biết, hướng dẫn của Bộ Công Thương đưa ra tiêu chí về mái công trình xây dựng “phù hợp với công năng, loại hình trang trại”, giúp các hệ thống điện mặt trời trên mái trang trại mà doanh nghiệp này đầu tư vừa qua đủ căn cứ pháp lý để được ký hợp đồng mua bán điện với EVN.

Chưa kể, việc mua lại các hệ thống điện mặt trời mái nhà nằm liền kề nhau cũng được ký hợp đồng và không phải xin giấy phép hoạt động điện lực, giúp các doanh nghiệp có thể mua lại các hệ thống điện công suất dưới 1 MWp liền kề nhau để tiện vận hành, quản lý.

Cũng theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, EVN phải chịu trách nhiệm đảm bảo các hệ thống điện mặt trời mái nhà được đấu nối phù hợp với quy định, không gây quá tải lên hệ thống lưới điện hạ áp, trung áp và cao áp hiện hữu, đặc biệt là hệ thống lưới điện 110 kV.

Về phía chủ đầu tư, Bộ Công Thương đề nghị, phải có cam kết tự chịu trách nhiệm về công trình xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định pháp luật. Mái nhà của công trình xây dựng phải phù hợp với công năng, mục đích sử dụng của công trình xây dựng. Với hệ thống điện mặt trời trang trại, chủ đầu tư phải bổ sung xác nhận của UBND xã, huyện về khai báo xây dựng trang trại trong hồ sơ đăng ký thoả thuận đấu nối điện, hợp đồng mua bán điện.

Anh Minh

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img