Ngày 19.11, trong chuyến công tác cùng đoàn đại biểu trẻ chương trình đồng
sáng tạo của JICA (trung tâm hợp tác quốc tế
Nhật Bản), chúng tôi có một buổi nghe giảng của một giáo sư (GS) tại Trường ĐH quốc gia Kyushu, nằm trong TP Fukuoka, tỉnh Fukuoka. Đây cũng là ngôi trường mà cố giáo sư, nhà nông học Lương Định Của từng học từ năm 1940, tại khoa sinh vật thực nghiệm.
Điều đặc biệt là, nhiều người Nhật Bản biết đến điều này. Chị Izumi, người điều phối chương trình tự hào: “Đây không chỉ là ngôi trường mà cố giáo sư
Lương Định Của từng học. Giáo sư Võ Tòng Xuân, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH An Giang (ĐH quốc gia TP.HCM) cũng từng học về nông nghiệp tại Trường ĐH quốc gia Kyushu”.
Bạn trẻ Việt Nam trong ngôi trường mà cố giáo sư, nhà nông học Lương Định Của từng học tại Nhật Bản
|
Trường ĐH quốc gia mà chúng tôi đặt chân tới quá rộng lớn nằm trên khoảng không gian bao la bát ngát cây xanh ở Fukuoka. Không có nhiều thời gian để có thể thăm hết các khoa, phòng, nhưng những bạn trẻ được GS Ninomiya Toshiharu, giáo sư lĩnh vực y tế công cộng và
sức khỏe cộng đồng, Viện nghiên cứu y học thuộc Bệnh viện Trường ĐH quốc gia Kyushu tiếp đón và chia sẻ nhiều điều về quá trình đào tạo tại đây.
“Hiện tại, trong nhiều khoa của Trường ĐH này, có một số sinh viên đến từ Việt Nam. Nhưng tôi chưa có duyên để gặp được bạn
người Việt nào học trong lĩnh vực y tế công cộng mà mình đang làm việc”, GS Ninomiya Toshiharu cười thân thiện.
Đào tạo thạc sĩ tại Nhật Bản có khác gì với Việt Nam?
Theo GS Ninomiya Toshiharu, để học lên thạc sĩ tại Nhật Bản, mỗi sinh viên cần tốt nghiệp ĐH và trải qua một bài thi, chương trình học kéo dài trong 2 năm và quá trình đào tạo rất nghiêm túc, khắt khe.
Điều đáng chú ý là, tại riêng Trường ĐH quốc gia Kyushu, nơi cố GS Lương Định Của từng học, các ngành đều có chương trình đào tạo
thạc sĩ, còn lĩnh vực y tế công cộng và
sức khỏe cộng đồng không có chương trình này, thay vào đó là đào tạo thẳng lên tiến sĩ.
Khoa y của Trường ĐH quốc gia Kyushu
|
Sinh viên y khoa tại Trường ĐH quốc gia Kyushu
|
Bạn trẻ Việt Nam cùng GS Ninomiya Toshiharu (thứ 3 từ trái qua, hàng trên)
|
“Đặc thù với ngành đào tạo này, chúng tôi phải gặp gỡ, trao đổi nói chuyện rất nhiều người dân Nhật Bản, để tuyên truyền về y tế, sức khoẻ cộng đồng. Chúng tôi trải qua khoảng 1 năm để thực hiện những chương trình nói chuyện với người dân địa phương. Do đó, ngoài điều bắt buộc là nói – viết tiếng Anh thông thạo, một điều quan trọng là người học phải nói chuyện với người dân thông thạo bằng tiếng Nhật. Điều này có thể hơi khó với nhiều sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, không phải không có người làm được. Nhiều bạn trẻ thông thạo tiếng Anh, tiếng mẹ đẻ của quốc gia họ và cả tiếng Nhật rất giỏi”, GS Ninomiya Toshiharu nói.
“Với bất kể học viên nào để đào tạo lên tiến sĩ ở Nhật Bản, đều cần trình độ tiếng Anh xuất sắc. Đặc biệt, cần thư tiến cử của một GS tại trường ĐH”, GS Ninomiya Toshiharu cho biết thêm.