Đề xuất chuyển vùng xây điện hạt nhân sang làm điện khí ở Cà Ná

Tỉnh Ninh Thuận muốn Chính phủ cho phép chuyển quy hoạch điện hạt nhân 4.600 MW sang làm tổ hợp điện khí LNG Cà Ná.

Tại Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam năm 2020, ngày 22/7, ông Phạm Văn Hậu – Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị loạt chính sách đưa tỉnh này thành trung tâm phát triển năng lượng tái tạo quốc gia.

Theo ông Hậu, sau khi chủ trương dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận được Quốc hội quyết định dừng vào tháng 11/2016, cấp thẩm quyền định hướng xây dựng tỉnh này thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Thực tế, hai năm vừa qua Ninh Thuận đã thu hút mạnh mẽ làn sóng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…).

Ngoài ra, theo Nghị quyết 55 về phát triển năng lượng tái tạo tới 2030, tầm nhìn 2045 của Bộ Chính trị, Ninh Thuận sẽ phát triển thêm năng lượng khí LNG và hạ tầng nhập khẩu khí LNG. Khu vực cảng Cà Ná với lợi thế về cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu 250.000 tấn. Đây cũng là cảng gần với tổ hợp khí 6.000 MW mà Thủ tướng đã đồng ý bổ sung vào quy hoạch giai đoạn 1 là 1.500 MW.

Do đó, Phó chủ tịch tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Chính phủ cho phép chuyển quy hoạch 4.600 MW đã có trong sơ đồ VII về điện hạt nhân sang đầu tư tổ hợp điện khí LNG Cà Ná.

“Với quy mô này sẽ giúp tỉnh thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế hiệu quả hơn, triển khai xây dựng đồng bộ cảng nước sâu LNG Cà Ná, khu công nghiệp Cà Ná”, ông Hậu nói.

Phối cảnh một dự án điện khí khu vực miền Nam. Ảnh: M.Hà

Phối cảnh một dự án điện khí khu vực miền Nam. Ảnh: M.Hà.

Trong khi đó, ông Phan Thiên Định, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng đề xuất Chính phủ bổ sung quy hoạch sơ đồ VII dự án điện khí Chân Mây, nằm trong Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

Theo ông, khu kinh tế này đã được Thủ tướng phê duyệt có diện tích 27.108 ha, gồm nhiều khu chức năng, trong đó có khu vực đất công nghiệp, cùng với hệ thống cảng biển nước sâu và dịch vụ hậu cảng phù hợp phát triển dự án điện khí với quy mô lớn. Dự án này hiện được nghiên cứu, đề xuất với sự tham gia ban đầu của các nhà đầu tư từ Mỹ, Nhật.

Chủ trương phát triển năng lượng khí LNG và tập trung phát triển hạ tầng nhập khẩu LNG là chủ trương lớn của Nghị quyết 55. Tỷ trọng nguồn điện này đã tăng đáng kể trong một thập niên qua, từ mức 7% năm 2009 lên 13% vào năm 2019.

Sự chuyển dịch cơ cấu nguồn năng lượng sang các loại hình năng lượng sạch, thị trường hoá các thị trường năng lượng, theo đại diện Vụ Dầu khí, than (Bộ Công Thương) là xu thế tất yếu mà Việt Nam hay bất kỳ quốc gia đang phát triển nào cũng sẽ trải qua.

Nhưng giá khí LNG cao và đòi hỏi hạ tầng đi kèm đồng bộ, phức tạp đang được giới chuyên môn xem là một trong những trở ngại khiến loại năng lượng này chưa thể phát triển nhanh như điện gió, điện mặt trời.

Theo bà Bùi Thị Hồng Vân – Giám đốc Angelin Energy, việc hình thành các thị trường khí trên thế giới sẽ giúp giá khí ngày càng cạnh tranh hơn. Thực tế theo bà Vân, nguồn khí LNG hiện nay đang dư cung, vấn đề là nhà đầu tư lựa chọn khu vực và đàm phán với người bán để được giá hợp lý nhất. “Trở ngại lớn nhất của các dự án điện khí LNG không phải vấn đề giá khí, mà ở các cơ chế chính sách phát triển cơ sở hạ tầng đi kèm”, Giám đốc Angelin Energy nhận xét thêm.

Trong khi các dự án phát triển trạm điện khí đi kèm cầu cảng, kho chứa… thường cần thời gian dài hơi và vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD, nên theo bà Vân, “cửa ngách” phát triển các dự án cấp khí cho những nhà máy khu công nghiệp. “Nhu cầu khách hàng doanh nghiệp sử dụng khí LNG, CNG trong sản xuất hiện rất lớn nhưng lại ‘nghẽn’ việc xin giấy phép nhập khẩu”, bà Vân nói và kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét, gỡ khó cho doanh nghiệp trong chủ trương nhập khẩu khí phục vụ trong nhà xưởng công nghiệp.

Đặt trong bối cảnh Quy hoạch điện VIII đang được xây dựng, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, quy hoạch này sẽ tạo ra không gian phát triển nguồn điện phù hợp. Theo đó, khu vực nào có lợi thế thì làm, như điện gió phát triển ở khu vực Nam Trung Bộ, điện mặt trời ở Tây Nguyên, điện khí có thể đầu tư ở khu vực có cảng nước sâu.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng cảnh báo, việc quy hoạch điện phải gắn với quy hoạch hạ tầng, hệ thống đường truyền tải điện, hệ thống kho cảng, hệ thống dẫn khí…. vì vướng mắc hiện nay là kho cảng khí chưa có quy hoạch rõ ràng, hệ thống đường dẫn khí… nên “mạnh ai nấy làm, có thể dẫn tới khủng hoảng nếu không kiểm soát tốt”.

“Quy hoạch có ý nghĩa quan trọng, trên cơ sở quy hoạch, Chính phủ sẽ yêu cầu Bộ Công thương lập kế hoạch từng thời kỳ, công bố cho các nhà đầu tư biết. Đây là để tạo môi trường đầu tư nhưng cũng là công cụ kiểm soát phát triển bền vững năng lượng”, ông Dũng nhấn mạnh.

Kỳ Duyên

Nguồn bài viết

Bài trướcNhà hàng Mỹ đuổi thẳng khách đeo khẩu trang
Bài tiếp theoTin tức giáo dục đặc biệt trên báo in ngày mai 23.7.2020 | Giáo dục