Đề văn thi vào lớp 10 ở TP.HCM: Lắng nghe để thay đổi, yêu thương | Giáo dục

Đề thi tôn trọng cái nhìn của học sinh

Lần đầu tiên đề thi được xây dựng dựa theo chủ đề thống nhất “lắng nghe”. Như vậy thể hiện sự sáng tạo, không đi theo hình thức cũ, giúp HS có tư duy mạch lạc, xuyên suốt quá trình làm bài. Từ việc chú trọng kỹ năng và trải nghiệm văn học, trải nghiệm cuộc sống, đề thể hiện ưu điểm lớn nhất là tôn trọng cái nhìn của thí sinh (tránh áp đặt, tránh học tủ, tránh văn mẫu).

Câu 3 là câu có nhiều đổi mới nhất, biểu hiện rõ nhất của sự tôn trọng suy nghĩ người học. HS chính là người tự ra đề cho mình (chọn tác phẩm để phân tích và chọn tác phẩm để liên hệ đều do HS tự quyết định). Đề bài giúp HS kết nối được văn học với cuộc sống, tránh cho các em có quan điểm văn học tách rời cuộc sống. Cách ra đề này khiến giám khảo hứng thú và sẽ đánh giá cao các bài làm có giọng văn trải nghiệm.

Võ Kim Bảo (giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM)

Bất ngờ, mới mẻ và rất hay

Đề văn thi vào lớp 10 tại TP.HCM năm nay bất ngờ, mới mẻ và rất hay. Bất ngờ vì phần đọc hiểu chỉ còn một văn bản, do vậy câu hỏi so sánh điểm giống và khác cũng không còn, thay vào đó câu hỏi về nội dung văn bản. Cách ra đề thi bám sát theo một chủ đề là khá mới mẻ, việc chọn “Lắng nghe” làm trục chính xuyên suốt cấu trúc 3 phần của đề thi giúp HS có cái nhìn sâu sắc hơn về chủ đề mà người ra đề muốn chuyển tải. Đây vẫn là một đề văn theo hướng mở. Phần nghị luận xã hội cũng không còn giải quyết một vấn đề với 3 lựa chọn mà chuyển sang trao đổi về một vấn đề. Phần nghị luận văn học cho HS được lựa chọn một trong 3 ngữ liệu và định hướng làm bài. Phần nghị luận văn học nêu được 3 đoạn thơ khá đắt giá để các em lựa chọn. Chỉ có đôi chút băn khoăn ở ngữ liệu Ánh trăng khi nội dung thông điệp khá nâng cao với trải nghiệm của HS. Cách cấu trúc theo chủ đề này là một gợi mở thú vị trong việc xây dựng nội dung học tập.

Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi (giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Gợi nhiều cảm hứng

Đề hay, gợi nhiều cảm hứng cho HS, có nhiều sự đổi mới bên trong mỗi câu hỏi nhất là phần nghị luận văn học. Câu nghị luận xã hội, vấn đề đặt ra vừa sức, không quá đao to búa lớn. Câu hỏi khá mở, không mang tính gò bó và quan trọng khiến HS có cảm giác dễ hơn, nhẹ nhàng hơn năm trước. Có thể nói rằng, TP.HCM là địa phương đầu tiên lựa chọn cách ra đề theo một chủ đề. Mỗi năm một cách tiếp cận mới mẻ, không rập khuôn, hàn lâm mà nội dung vẫn mang tính giáo dục, gửi gắm nhiều bài học và gợi cảm giác thú vị.

Đỗ Đức Anh (giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM)

Thí sinh khó bị lạc đề

Điểm mới mẻ, sáng tạo của đề thi môn văn năm nay là tập trung theo hướng chủ đề. Phần chủ đề (lắng nghe) mở đầu đề thi tương ứng với các câu hỏi: câu đọc hiểu văn bản (lắng nghe để thay đổi), viết bài văn ngắn (lắng nghe để yêu thương) và câu nghị luận văn học (lắng nghe để hiểu biết). Vì vậy bố cục, kết cấu của đề rất rõ ràng, tính nhất quán về đề tài trong đề cũng rất cao, thí sinh khó bị lỗi lạc đề. Cả 3 câu hỏi đều có cho phần thí sinh được chọn lựa. Với đề thi và tình hình bài làm của thí sinh, mức điểm trung bình của môn văn năm nay dự đoán sẽ cao hơn năm trước, trong khoảng 6,5 đến trên 7 điểm.

Trần Ngọc Tuấn (giáo viên Trường THPT Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM)

Việc chấm thi sẽ đỡ nhàm chán

Với 3 lựa chọn về 3 thông điệp của 3 tác phẩm thơ, tùy theo sở thích, hứng thú và sự hiểu của mình, HS tự do lựa chọn thể hiện suy nghĩ, quan điểm. Chính từ những lựa chọn của thí sinh sẽ giúp cho giám khảo được đọc, được hiểu đa dạng góc nhìn nên không thấy sự nhàm chán và việc chấm thi sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.

Huỳnh Lê Ý Nhi (giáo viên Trường THCS Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM)

Làm bài trong tâm trạng thoải mái

Vấn đề dịch bệnh Covid-19 đã được em quan tâm từ trước nên khi thấy đề thi thì rất vui mừng. Câu hỏi nghị luận xã hội về sự lắng nghe em không gặp khó khăn. Phần nghị luận văn học, cho HS được chọn 1 trong 3 thông điệp từ trong 3 tác phẩm văn học Ánh trăng của Nguyễn Duy, Bếp lửa của Bằng Việt, Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải để phân tích, liên kết tác phẩm khác để so sánh nên em làm bài trong tâm trạng rất thoải mái.

Long Lý (HS Trường THCS Lê Lai, Q.8,TP.HCM)



Nguồn bài viết

Bài trướcĐua lắp điện mặt trời trên mái nhà xưởng
Bài tiếp theoLao dốc không phanh, thị trường rực đỏ