Để điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học hiệu quả | Giáo dục

Không nên lo lắng và nóng vội

Đưa ra lời khuyên cho thí sinh (TS) trước thời điểm quan trọng, PGS-TS Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, cho rằng TS không phải lo lắng nhiều. Quy chế tuyển sinh cho phép TS nộp hồ sơ với số lượng nguyện vọng (NV) không hạn chế. Nếu điểm thi không cao hơn nhiều so với điểm chuẩn các năm trước thì chỉ cần đăng ký thêm NV.

Tuy nhiên, PGS-TS Đỗ Văn Xê lưu ý TS chỉ có một đợt điều chỉnh NV nên cần cân nhắc kỹ. Trong các NV đã đăng ký từ tháng 4, nếu điểm thi thấp hơn điểm sàn thì cần thay NV. Nếu điểm sàn cao hơn điểm thi nhưng không chắc chắn trúng tuyển thì vẫn cứ duy trì NV, đăng ký thêm NV khác. “Tương ứng mỗi NV, các trường cũng sử dụng nhiều tổ hợp khác nhau. TS cần phải rà soát lại chọn tổ hợp nào điểm cao nhất để đăng ký. Ngành nào thích nhất sẽ xếp lên trên chứ không phải dựa vào tổng số điểm”, PGS-TS Đỗ Văn Xê lưu ý.

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng khoa Du lịch và Việt Nam học, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho rằng trong giai đoạn này, TS phải thật sự bình tĩnh, không nên nóng vội. Các trường vẫn còn có nhiều phương thức tuyển sinh để tăng cơ hội cho TS.

Cơ hội trúng tuyển còn rất nhiều

Theo chuyên gia tuyển sinh, cơ hội còn rất nhiều cho TS ở tất cả các phương thức. Chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT cũng còn rất lớn.

Theo thạc sĩ Trương Quang Trị, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vẫn dành 70% chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ 25%, xét kết quả đánh giá năng lực và tuyển thẳng là 5%.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh – Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết năm nay trường tuyển sinh 6.600 chỉ tiêu với 45 ngành đào tạo, xét theo 3 phương thức. Trong đó, trường dành 65% chỉ tiêu xét điểm thi THPT, xét học bạ 25%, xét kết quả đánh giá năng lực là 10%.
Thạc sĩ Dung cũng khẳng định: “Đến khi TS xác nhận nhập học ngày 5.10, nếu có sự thay đổi sau quá trình xét tuyển, trường sẽ cân đối lại và thông báo đến TS để có thể tham gia các đợt xét tuyển tiếp theo. Trường dự kiến điểm chuẩn tăng 1 – 3 so với điểm sàn đã công bố, tùy theo ngành khác nhau. Chẳng hạn, các ngành khối marketing, kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh, du lịch nhà hàng khách sạn, công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, điểm chuẩn sẽ nằm ở mức cao. Các ngành khác có thể nằm ở mức 19 – 20 điểm”.

Thạc sĩ Mai Đức Toàn, Giám đốc tuyển sinh – truyền thông, Trường ĐH Tân Tạo, cho biết: “Tâm lý TS đang chờ điểm thi tốt nghiệp THPT nên tỷ lệ nhập học các trường chưa nhiều”.


Điểm sàn ngành y dược sẽ tăng 2 – 3 điểm

Theo dự đoán của lãnh đạo một số trường y dược, điểm sàn khối ngành sức khỏe năm nay sẽ cao hơn năm ngoái ít nhất khoảng 2 – 3 điểm.

Theo GS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, điểm sàn chỉ có ý nghĩa nếu nó cao hơn mức điểm trung bình mà TS năm nay đạt được.

Còn PGS Phạm Dương Châu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng với độ dễ của đề thi năm nay, TS đạt từ 24 điểm/3 môn trở lên có thể được xem là khá, và nên lấy mức này làm điểm sàn cho các ngành bác sĩ; ngành điều dưỡng, điểm sàn nên là 21.

Năm 2019, điểm sàn các ngành y khoa và răng hàm mặt là 21; y học cổ truyền, dược 20; các ngành còn lại đều 18. 

Quý Hiên


Điểm sàn và sự lựa chọn của thí sinh

Vào 14 giờ 30 hôm nay (17.9), Báo Thanh Niên tiếp tục thực hiện chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến xét tuyển vào ĐH với chủ đề “Điểm sàn và sự lựa chọn của thí sinh”. Chương trình được phát sóng các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.

Chuyên gia tư vấn tham dự chương trình gồm: thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM; thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn; thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng khoa Du lịch và Việt Nam học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. 

Bảo Hân




Nguồn bài viết

Bài trướcApple tiến vào lĩnh vực ‘nghìn tỷ USD’
Bài tiếp theoHai lần bị xử phạt, khách sạn cao tầng tại Huế ‘trồi’ thêm công trình không phép