Dạy trẻ cách nói ‘không’

Trẻ cần nói “không” trước quà tặng, đề nghị từ người lạ không quen biết hoặc trước những điều trái với quy tắc gia đình như đi chơi về muộn.

Một trong những phương pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi bị lợi dụng, bắt nạt hay lạm dụng tình dục là dạy trẻ biết nói “không”. Khả năng này bao gồm hiểu được nhu cầu, trân trọng bản thân, biết cách từ chối làm những điều không muốn. Từ đó, các em có thể tự bảo vệ thân thể và quyền lợi của mình.

Trang giáo dục Raace gợi ý bảy cách dạy trẻ nói “không” trong những tình huống cần thiết.

1. Lắng nghe ý kiến của trẻ

Nhiều phụ huynh cho rằng lời nói, quan điểm của bố mẹ luôn đúng và con nên nghe theo thay vì cãi lại. Tuy nhiên, trong quá trình hình thành nhận thức, tư duy, trẻ cũng đã thu thập và hình thành ý kiến cá nhân. Bố mẹ nên lắng nghe, khuyến khích con chia sẻ suy nghĩ.

Nếu trẻ bày tỏ quan điểm khác biệt theo cách nhã nhặn, bố mẹ nên thảo luận cởi mở, chỉ ra điểm được và chưa được. Hãy ủng hộ ý kiến đúng, phù hợp với phương pháp nuôi dạy hoặc sự phát triển của trẻ.

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

2. Hỏi ý kiến của trẻ về các vấn đề trong gia đình

Khi được bố mẹ hỏi ý kiến về những vấn đề trong gia đình hoặc vấn đề trực tiếp liên quan đến mình, trẻ sẽ cảm thấy tự tin vào bản thân, hiểu rằng có thể đưa ra lựa chọn cá nhân. Từ đó khuyến khích các em tư duy độc lập, xây dựng chính kiến đồng thời học cách tôn trọng quan điểm của mọi người xung quanh.

3. Những trường hợp cần nói “không”

Trẻ nhỏ rất dễ bị dụ dỗ, không biết khi nào cần nói “không” nên phụ huynh hãy giải thích cho bé hiểu. Tình huống phổ biến nhất là từ chối đồ vật hay lời rủ rê của người lạ hoặc chưa có sự đồng ý của bố mẹ như rủ đi chơi, mua quà đắt tiền. Họ có thể làm tổn thương trẻ khi không có bố mẹ ở bên.

Trẻ cũng có thể nói “không” trước những hành động không phù hợp với quy tắc của gia đình như đi chơi về muộn, uống bia rượu khi chưa đủ tuổi.

4. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể

Đôi khi, mọi người vẫn lấn tới dù trẻ đã nói “không” nên việc kết hợp ngôn ngữ cơ thể sẽ thể hiện ý kiến quyết liệt hơn. Cha mẹ có thể dạy con khoanh tay trước ngực, chân mở rộng, mắt nhìn thẳng vào người đối diện khi nói.

5. Giải thích và lặp lại

Đi cùng từ “không”, trẻ có thể giải thích thêm lý do để củng cố quyết định. Việc giải thích cũng giúp người đối diện hiểu rõ hơn tình cảnh của trẻ, chấp nhận lời từ chối mà không cáu giận, phật lòng.

Ví dụ, khi bạn bè rủ trẻ đi chơi vào buổi tối, bé có thể nói: “Tớ không đi được. Sau giờ ăn cơm, tớ phải học bài vì ngày mai có bài kiểm tra”.

Nếu đối phương liên tục chèo kéo, bạn hãy dạy con lặp đi lặp lại từ “không”. Khi đã đưa ra quyết định, trẻ cần kiên định và bảo vệ ý kiến.

6. Thay đổi chủ đề

Trường hợp muốn từ chối và muốn ngăn cản người khác làm việc tiêu cực, bạn hãy dạy con cách thay đổi chủ đề. Trẻ có thể nói: “Sao chúng mình không…”, “Mình nghĩ làm… sẽ tốt hơn”.

Ví dụ, khi bạn bè rủ đi chơi về khuya, trẻ có thể nói: “Mình nghĩ chúng mình về lúc 8 giờ tối sẽ tốt hơn”. Nếu mọi người không nghe, trẻ không phải đồng tình với các bạn mà cần giữ vững quan điểm của mình.

7. Từ “không” mang nghĩa tích cực

Hầu hết trẻ cho rằng từ “có” mang nghĩ tích cực trong khi từ “không” mang nghĩa tiêu cực nên ngại ngùng khi phải từ chối lời đề nghị của người khác dù bản thân không thích. Vì vậy, bạn hãy dạy con hiểu rằng sự khác biệt trong quan điểm, sở thích là một phần trong mối quan hệ của con người. Nếu quan điểm khác với mọi người xung quanh, trẻ có thể từ chối để bảo vệ mình.

Tú Anh (Theo Raace)

Nguồn bài viết

Bài trướcCầu Thăng Long được cà‌o bóc lớ‌p nhựa đường
Bài tiếp theoPhương Trang trúng thầu khai thác 9 tuyến xe buýt ở Đồng Tháp trong 10 năm | Tài chính – Kinh doanh