HomeGiáo dụcĐại học xoay xở thế nào khi tự chủ?

Đại học xoay xở thế nào khi tự chủ?

Không thể tăng mạnh học phí, nhiều đại học tự chủ gặp khó khăn, phải xoay xở đủ cách để giữ được chất lượng đào tạo.

Từ lúc thành lập năm 1993, Đại học Mở Hà Nội được hưởng mọi quy chế của trường đại học công lập nhưng không được nhà nước đầu tư nhiều về cơ sở vật chất mà phải tự chủ ngay từ đầu theo lộ trình tự chủ nguồn thu rồi thu chi thường xuyên. Đến tháng 7/2017, trường trở thành đại học tự chủ toàn diện.

Hiệu trưởng Trương Tiến Tùng cho biết ở giai đoạn đầu, trường gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ đào tạo một sinh viên mất khoảng 7 triệu đồng một năm, sinh viên các trường công lập được nhà nước trợ cấp khoảng 5,5 triệu đồng và chỉ phải đóng hơn một triệu đồng. Với Đại học Mở Hà Nội, phần trợ cấp 5,5 triệu không có. “Điều này tạo ra thách thức lớn”, ông Tùng nói.

Để tồn tại, Đại học Mở Hà Nội thực hiện ba giải pháp lớn. Một là xã hội hóa nhưng không phải yêu cầu sinh viên đóng thêm mà là tận dụng dư thừa trong xã hội. Về cơ sở vật chất, nhà nước đầu tư cho các bệnh viện, xí nghiệp bao giờ cũng dư, không đơn vị nào sử dụng hết công suất máy móc, thiết bị hay phòng thí nghiệm. Do không có ngân sách để xây dựng phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo, trường tận dụng của các đơn vị khác, chia nhóm sinh viên tới học, tất nhiên có trích học phí của sinh viên để trả.

Về đội ngũ giảng viên, trường cũng phải có những chính sách xã hội hóa rõ ràng. Trong khi các trường công lập có quỹ đào tạo rất lớn, ai muốn học tiến sĩ ở nước ngoài sẽ được nhà nước cho tiền thì giảng viên Đại học Mở chỉ được khuyến khích, tức là không cấp trước khi đi học mà khi có bằng sẽ được trả lương cao hơn và trả một phần chi phí đào tạo ở nước ngoài.

Giai đoạn này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đưa ra chính sách rất hay là tận dụng con người ở các viện nghiên cứu tham gia giảng dạy ở trường đại học khi dư thừa thời gian. Đại học Mở Hà Nội được quyền trưng dụng họ, gọi là đội ngũ thỉnh giảng. Việc đi dạy thêm ở các trường giúp nâng cao mức sống bởi làm ở đơn vị sự nghiệp lương có hạn, đi dạy sẽ có thêm một khoản lương nữa. Đó là cách vừa cứu nhà trường, vừa tránh “chảy máu” chất xám.

Từ năm 2017, Đại học Mở Hà Nội được tự chủ toàn diện và được phép tăng học phí. Năm 2017, học phí là 10,6 triệu đồng một năm đến năm 2019 là 12,8 triệu đồng, thấp hơn nhiều trường được tự chủ khác.

Từ ngày 1/7/2019, Luật Giáo dục đại học có hiệu lực cho phép các trường xây dựng khung định mức kinh tế kỹ thuật cho giáo dục, trường phải tính đúng và đủ. Theo ông Tùng, nếu tính như vậy, Đại học Mở Hà Nội phải tăng học phí ít nhất 40% nữa chứ không phải ở mức 13,6-14,3 triệu đồng như hiện nay. Tuy nhiên, trường không làm vậy để tránh gây sốc.

Để khắc phục khó khăn, trường áp dụng những giải pháp cũ là xã hội hóa. Sau thời gian dài, trường có tăng phần tích luỹ nên phục vụ sinh viên tốt hơn. Trước đây, các phòng học không có điều hòa, trường không có phòng thí nghiệm lớn thì giờ đã có và cũng bắt đầu cấp học bổng cho giảng viên đi học.

Đại học Mở Hà Nội cũng tăng cường kết nối với doanh nghiệp. Ví dụ trường có hợp đồng với tất cả khách sạn lớn về cung cấp nguồn nhân lực, sinh viên ngành Du lịch có thể thực tập từ năm nhất và được trả lương. Trường đầu tư cho công nghệ rất mạnh, kho bài giảng trực tuyến đã xây dựng từ rất lâu. Như vậy, sinh viên học kết hợp trên giảng đường, tự học với phần hỗ trợ công nghệ của trường và học từ doanh nghiệp. Điều này giúp trường giảm chi phí đầu tư cơ sở vật chất.

Ông Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Đại học Mở Hà Nội. Ảnh: Dương Tâm.

Ông Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Đại học Mở Hà Nội. Ảnh: Dương Tâm.

Dù có nhiều giải pháp, khi được hỏi có muốn tăng học phí mạnh không thì Hiệu trưởng Tùng khẳng định là có. Tuy nhiên, trường xác định chỉ tăng học phí khi mức sống và mức vay nhà nước cho sinh viên tăng lên bởi phương châm của trường là đồng hành với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

“Nói như vậy không có nghĩa là trường nào cũng thu học phí bình dân được. Tự chủ là con đường tất yếu và chắc chắn phải có những trường học phí rất cao mới đuổi kịp được thế giới. Tất nhiên, các trường phải tính toán rất kỹ về đầu ra để đưa ra mức học phí đó”, ông Tùng nói.

Việc tăng học phí không tỷ lệ nghịch với tuyển sinh. Dù tăng học phí, Đại học Mở Hà Nội vẫn tuyển sinh tốt vì sinh viên được chăm sóc tốt hơn, chất lượng đào tạo được đảm bảo nhờ tự chủ toàn diện. Năm 2016, trường chỉ có khoảng 13.000 thí sinh đăng ký xét tuyển (17% là nguyện vọng 1) thì đến năm 2019 gần 30.000 (47% là nguyện vọng 1). Tỷ lệ trúng tuyển là 10% và điểm chuẩn cũng cao dần, từ chỗ loanh quanh điểm sàn nay đã có ngành lấy 22 điểm.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cũng cho rằng tự chủ giúp chất lượng tốt hơn dù vấp phải không ít khó khăn liên quan đến học phí. Được phê duyệt tự chủ từ tháng 6/2015, học phí của trường dao động 14-17 triệu đồng mỗi năm. Sau khi hết thí điểm tự chủ, bậc đại học 4 năm được trường rút thời gian xuống còn 3,5 năm, giữ khối lượng giảng dạy, học phí tăng lên khoảng 20 triệu đồng.

Kinh phí hỗ trợ từ nhà nước ít, trường phải cân đối để sửa chữa, đầu tư và phát triển. Tuy nhiên, khi tự chịu trách nhiệm thu chi, trường khá vất vả, thậm chí bị sinh viên than phiền về mức học phí. Nhiều đợt sinh viên phản ứng gay gắt khi học phí tăng, mặc dù trường đã có những phần miễn giảm cho những trường hợp khó khăn. Ban giám hiệu trường khi đó phải đứng ra giải thích, sinh viên thấy hợp lý nên mới không ý kiến nữa.

Theo ông Sơn, học phí tăng thêm nhưng đi kèm là thay đổi điều kiện học tập. Phòng thí nghiệm được thay mới, các phòng học lý thuyết được gắn máy lạnh, khu thể thao, khuôn viên được đầu tư bài bản, cây xanh được trồng mới. Nhờ tự chủ, trường cũng có đội ngũ giảng viên chất lượng hơn. Hiện trường có gần 120 giáo sư, tiến sĩ, gần 100% đội ngũ giảng dạy chính có trình độ thạc sĩ. “Khoảng ba năm gần đây những ý kiến về học phí đã không còn nữa. Các em đã thấy được những giá trị mà học phí mang lại”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cho rằng việc thu học phí cao cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có sự thống nhất của người được thụ hưởng. Học phí cao đồng nghĩa với chất lượng cao, cả cơ sở vật chất, chất lượng giảng viên, bài giảng được cải tiến, tài liệu học tập được bổ sung. Chưa kể, giảng viên được tập huấn phương pháp giảng dạy, cập nhật kiến thức thường xuyên. Kinh phí cho vấn đề này cũng được tính vào học phí của sinh viên.

“Học phí nếu tăng phải có lộ trình. Các khóa mới thì học phí có thể tăng cho phù hợp với điều kiện thực tế nhưng những khóa cũ thì vẫn phải giữ nguyên, hoặc có tăng lên không quá cao để các em có thể theo học”, ông Sơn nói.

Được tự chủ từ năm 2017, học phí trường Đại học Luật TP HCM từ năm học 2017-2018 đến nay tăng 16 lên 18 triệu đồng mỗi năm. Trung bình năm sau chỉ cao hơn năm trước 500.000 đến một triệu đồng. PGS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng trường, cho biết với mức học phí này, trường phải tính toán để vừa đảm bảo chất lượng, giữ thương hiệu đồng thời giữ chân giảng viên giỏi.

Theo đề án tự chủ, thu nhập ngoài tiền lương ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước, trường quyết định thu nhập tăng thêm từ nguồn chênh lệch thu lớn hơn chi theo quy chế chi tiêu nội bộ. Nhưng sự cạnh tranh giữa trường công và trường tư hiện rất lớn, nhiều trường tư cũng bắt đầu đào tạo ngành Luật, sẵn sàng trả lương cao gấp nhiều lần. Do đó, nguy cơ “chảy máu” chất xám là thấy rõ.

“Giá cả mỗi ngày mất giá, nếu tiền lương không tăng theo mức độ trượt giá thì thực chất mức lương giảm. Học phí cũng phải tăng, nhưng ở mức nào thì phải tính toán thận trọng”, ông Hải nói.

Theo PGS Hải, học phí có thể xem là giá cả của “hàng hóa” việc giảng dạy. Mỗi đại học đặt ra một loại học phí, phụ thuộc vào cơ sở vật chất, trang thiết bị cho sinh viên, đi kèm với việc đảm bảo chất lượng và trách nhiệm giải trình. Xã hội sẽ đánh giá chất lượng học tập đó có xứng đáng với mức học phí hay không. Do đó, mỗi lần tăng học phí phải cẩn trọng và có trách nhiệm, bởi nếu không khéo sẽ mất người học.

Ông Hải cho biết khác với ngành Y Dược, kỹ thuật, ngành Luật không cần nhiều công cụ, thiết bị nhưng tốn tiền đầu tư cho cơ sở vật chất, hệ thống học trực tuyến, giáo trình, tài liệu nước ngoài. “Khi có 100 đồng trong tay, bạn có thể mua thoải mái mọi thứ, nhưng giả sử bạn chỉ có 10 đồng thì phải lựa chọn những gì cần nhất, tốt nhất”, ông ví von.

Ngày 2/6, Đại học Y Dược TP HCM công bố học phí năm học 2020-2021 là từ 30 đến 70 triệu đồng tùy ngành, tăng 2-5 lần so với năm ngoái khiến nhiều người bất ngờ. Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Y tế đang yêu cầu trường báo cáo việc đáp ứng các điều kiện tự chủ để được xác định mức học phí gtheo quy định của Luật Giáo dục đại học sửa đổi.

Dương Tâm – Mạnh Tùng

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img