Đại học đổi cách xét tuyển, dành chỗ cho thí sinh vùng dịch

Đại học Đà Nẵng đề xuất tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ, nhiều trường khác dành 300-1.500 chỉ tiêu cho thí sinh phải thi tốt nghiệp THPT đợt 2.

Ngày 4/8, Đại học Đà Nẵng, TP Đà Nẵng, điều chỉnh phương án tuyển sinh, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh tại địa phương phải thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Theo Đề án tuyển sinh năm 2020, Đại học Đà Nẵng tuyển sinh theo 4 phương thức gồm tuyển thẳng, xét học bạ, dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 và căn cứ vào kết quả thi đánh giá năng lực phối hợp với Đại học Quốc gia TP HCM.

Ước tính mỗi năm thí sinh của Đà Nẵng và Quảng Nam chiếm 50% tổng sinh viên, do đó Đại học Đà Nẵng ưu tiên xét học bạ để tạo tâm lý yên tâm cho phụ huynh và thí sinh, đảm bảo sự chủ động với tình hình dịch bệnh phức tạp.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, cho biết những thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ mà chưa tốt nghiệp sẽ được công nhận trúng tuyển tạm thời. Khi có chứng nhận tốt nghiệp, các em được công nhận trúng tuyển chính thức.

Đại học Đà Nẵng sẽ dành chỉ tiêu thích hợp để tuyển sinh dựa trên kết quả THPT với thí sinh thi đợt 2. Nếu cần thiết, trường sẽ xin Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng chỉ tiêu để đảm bảo chỗ cho thí sinh đủ điều kiện nhập học. Ngoài ra, trường cũng đề nghị Bộ cho phép linh hoạt chuyển đổi chỉ tiêu từ kết quả thi tốt nghiệp THPT sang xét học bạ để tuyển đủ sinh viên, đảm bảo quyền lợi cho các em.

Với thí sinh từ địa phương khác, Đại học Đà Nẵng vẫn xét tuyển bình thường theo các phương thức trong đề án tuyển sinh. Riêng thi đánh giá năng lực không thể thực hiện do Covid-19, trường sẽ chuyển chỉ tiêu sang phương thức còn lại.

Đến ngày 6/8, Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, tuyển bổ sung 1.370 sinh viên bằng phương thức xét học bạ để giảm áp lực cho các thí sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Hiện Đại học Đà Nẵng có 6 trường thành viên gồm Bách khoa, Kinh tế, Sư phạm, Ngoại ngữ, Sư phạm kỹ thuật, Công nghệ thông tin và truyền thông Việt – Hàn. Ngoài ra, trường còn 6 đơn vị trực thuộc là Phân hiệu tại Kontum, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Khoa Y dược, Khoa Công nghệ thông tin và truyền thông, Khoa Giáo dục thể chất, Khoa đào tạo quốc tế.

Cùng ngày tại Thừa Thiên Huế, Đại học Huế thông báo nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung theo phương thức xét học bạ. Năm nay, trường tuyển 14.000 sinh viên theo 5 phương thức gồm tuyển thẳng, xét học bạ, dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp và theo quy định riêng của trường. Riêng xét học bạ tuyển 4.500 sinh viên trong hai đợt.

TS Nguyễn Công Hào, Trưởng ban đào tạo và công tác sinh viên, Đại học Huế, thông tin do số sinh viên từ Đà Nẵng và Quảng Nam học tại trường tương đối đông, trường sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa, giúp các em không bị lỡ cơ hội nhập học ngành yêu thích. Cụ thể Đại học Huế sẽ dành 8-10% chỉ tiêu cho thí sinh vùng dịch thi đợt 2, tương đương 1.000-1.400 em.

Học sinh Hà Nội tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: Giang Huy/VnExpress

Học sinh Hà Nội tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: Giang Huy.

Tại TP HCM, TS Nguyễn Quốc Khanh, Trưởng phòng Quản lý đào tạo – Công tác sinh viên, Đại học Kinh tế TP HCM, cho biết vừa nhận được công văn hướng dẫn điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh trong tình hình Covid-19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đơn vị sẽ tính toán lại chỉ tiêu dành cho đợt 2 dựa vào 3 tiêu chí hướng dẫn của Bộ, trình Hội đồng tuyển sinh của trường thông qua.

Trước đó, trường đã họp bàn phân tích các dữ liệu liên quan đến thí sinh Đà Nẵng và Quảng Nam. Trong ba năm gần đây, trong tất cả phương án tuyển sinh, thí sinh ở hai địa phương này trúng tuyển khoảng 140-150 em, chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng chỉ tiêu hơn 5.000 mỗi năm của trường.

Với 5.800 chỉ tiêu trong năm học 2020-2021, Đại học Kinh tế TP HCM có 5 phương thức xét tuyển: tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xét tuyển học sinh giỏi với nhiều tiêu chí, xét học bạ theo tổ hợp, xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực, xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trường đã công bố kết quả xét tuyển theo hai phương thức xét tuyển học sinh giỏi và xét tuyển học bạ. Những thí sinh Đà Nẵng, Quảng Nam đủ điều kiện trúng tuyển theo hai phương thức này chỉ cần chờ thi tốt nghiệp THPT, chờ tốt nghiệp là có thể xác nhận nhập học.

Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, số thí sinh đăng ký vào trường khoảng 46.000, số từ hai địa phương trên khoảng 1.000. “Chúng tôi sẽ công bố số lượng chỉ tiêu cho thí sinh thi đợt 2 sau, nhưng tinh thần sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các em xét tuyển vào trường”, ông Khanh cho hay.

Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM năm nay tuyển 3.500 chỉ tiêu cho 26 ngành ở bậc đại học. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh của trường, cho biết đại học này sẽ dành 10-20% chỉ tiêu cho thí sinh thi tốt nghiệp đợt 2, tùy theo ngành. Điểm chuẩn cho thí sinh đợt 2 sẽ bằng hoặc cao hơn điểm đợt một.

Ở Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, trường đã thống kê thí sinh của hai địa phương trên để tính toán chỉ tiêu đợt 2 cho phù hợp. Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường có khoảng 20.000 nguyện vọng, số thí sinh từ Đà Nẵng và Quảng Nam khoảng 500. Chỉ tiêu cho đợt 2 sẽ căn cứ vào tỷ lệ nguyện vọng sau khi thí sinh có điểm và điều chỉnh nguyện vọng.

Nhiều trường khác cũng đang có kế hoạch rà soát số thí sinh đăng ký xét tuyển để tính toán chỉ tiêu đợt 2 cho phù hợp như: Đại học Y dược TP HCM, Đại học Ngân hàng TP HCM, Đại học Nông Lâm TP HCM, Đại học Nha Trang…

Trong hướng dẫn công tác tuyển sinh trong tình hình Covid-19 ngày 6/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các đại học xem xét phân bổ tỷ lệ chỉ tiêu hợp lý và xét tuyển riêng cho thí sinh chưa tham dự kỳ thi ngày 8-10/8 trên tinh thần tự chủ và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Bộ chỉ ra ba căn cứ để các trường phân bổ chỉ tiêu. Một là dựa vào tỷ lệ nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh thuộc địa phương so với tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh cả nước vào trường năm 2020. Hai là tỷ lệ thí sinh trúng tuyển của địa phương so với số lượng thí sinh trúng tuyển trên cả nước vào trường năm 2019. Ba là tỷ lệ thí sinh trúng tuyển của địa phương so với số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển của địa phương đó vào trường năm 2019.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường điều chỉnh chỉ tiêu phân bổ và đề án tuyển sinh cho phù hợp, báo cáo về Bộ trước ngày 3/9 và công bố trên trang thông tin điện tử của trường.

Trước đó ngày 3/8, do ảnh hưởng của Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chia kỳ thi tốt nghiệp THPT thành hai đợt. Đợt một ngày 8-10/8, đợt hai dành cho các thí sinh ở Đà Nẵng, một số nơi đang giãn cách xã hội ở Quảng Nam và thí sinh diện F1, F2. Thời gian thi do các địa phương đề xuất, khi đã kiểm soát được Covid-19.

Thanh Hằng – Mạnh Tùng – Võ Thạnh

Nguồn bài viết

Bài trướcVì sao cổ phần hoá doanh nghiệp chậm?
Bài tiếp theoNền kinh tế của Lebanon thế nào trước khi vụ nổ đẫm má‌u ở Beirut xảy ra?