HomeGiáo dụcĐại học Australia lo phá sản

Đại học Australia lo phá sản

Vì phụ thuộc quá nhiều vào học phí từ du học sinh, nền giáo dục Australia lao đao vì Covid-19, nhiều trường chịu lỗ và có nguy cơ phá sản.

John là trợ giảng môn Triết học tại một đại học danh tiếng ở Australia, đang tìm kiếm vị trí nghiên cứu sau tiến sĩ để dễ dàng trở thành giảng viên sau này. Sáng hôm đó, ngay trước khi bật ứng dụng Zoom để dạy học, anh nhận được email từ một công việc ở Melbourne, Australia, quê nhà của anh.

John ứng tuyển vào công việc này vì điều kiện tốt, khả năng trúng tuyển cao. Tuy nhiên, email đó lại không mang đến cho anh điều gì tốt đẹp: “Chúng tôi vô cùng xin lỗi khi phải thông báo rằng do dịch Covid-19 trên toàn cầu, trường đại học đã quyết định dừng chương trình tuyển dụng sau đại học cho năm 2021”.

“Email đó khiến tôi rơi vào cơn khủng hoảng, mất khoảng một tuần để hồi phục tinh thần. Dĩ nhiên, chính email đó là nỗi thất vọng, nhưng nó còn là biểu tượng của một thứ lớn hơn, báo hiệu rằng sẽ không có cơ hội nào cho tôi trong sự nghiệp này, ít nhất là trong thời điểm hiện tại”, John nói.

John không phải là người duy nhất trong giới học thuật bị dịch bệnh reo rắc sự hỗn loạn. Rất nhiều trường đã dừng tuyển vị trí mới, cắt giảm nhân sự…, tuy nhiên không ở đâu trong giới học thuật chịu ảnh hưởng nhiều vì đại dịch hơn các đại học ở Australia.

Là thị trường giáo dục lớn thứ ba toàn cầu sau Anh và Mỹ, nền giáo dục đại học Australia đang chịu thất thoát hàng tỷ USD sau khi biên giới bị đóng cửa từ tháng 3 do đại dịch, khiến hàng nghìn học sinh không thể đến học. Trường hợp biên giới tiếp tục được đóng cửa đến năm 2021, thiệt hại của nền giáo dục Australia khó có thể đo đếm, đặc biệt là với các nhà học thuật, giảng viên, nghiên cứu sinh trẻ như John.

Tuy nhiên, đại dịch chỉ là một giọt nước làm tràn ly. Những vấn đề của nền giáo dục Australia đã hiện hữu từ hàng thập kỷ nay.

Đại học Sydney, Australia. Ảnh: Shutterstock

Đại học Sydney, Australia. Ảnh: Shutterstock

Bắt đầu từ cuối những năm 1980, Australia bỏ quy định về số sinh viên quốc tế tối đa mà một đại học của nước này có thể nhận. Khi đó, hầu như không ai nghĩ đây sẽ là tiền đề của một vấn đề lớn bởi mức chi phí học tập ở Australia quá cao so với du học sinh. Tuy nhiên, không ai có thể dự đoán được sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu ở các nước châu Á trong những thập kỷ sau đó và mong muốn cho con học nước ngoài của các gia đình này.

Với việc nhu cầu lấy bằng cử nhân tại Australia gia tăng, các đại học cũng muốn nhận nhiều học sinh hơn để tăng nguồn học phí từ nước ngoài. Ngoài ra, chính sách liên bang Australia cũng cổ vũ học sinh nước ngoài đến nước này học tập, giúp các trường tăng thu nhập, địa phương có thể giảm trợ cấp cho trường.

Đến năm 2018, học phí từ học sinh quốc tế chiếm đến 26% tổng lợi nhuận của các đại học Australia, tương đương 9 tỷ AUD (khoảng 147.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, nguồn tiền này đã nhanh chóng bị ngưng trệ, khi biên giới Australia bị đóng cửa vào tháng 3/2020 do Covid-19. Dự kiến, các đại học Australia sẽ chịu lỗ khoảng 3,1 đến 4,8 tỷ AUD (50,6-78,5 nghìn tỷ đồng) chỉ trong năm 2020.

Tệ hơn nữa, khoản lỗ này có thể lên đến 23 tỷ AUD vào năm 2023, theo dự đoán của Viện Mitchell của Đại học Victoria, khiến đại dịch năm 2020 trở thành “năm đau buồn nhất của cả xã hội hiện tại” cho nền giáo dục đại học Australia.

“Những kỳ vọng về sự gia tăng về số lượng học sinh và lợi nhuận đã bị loại bỏ hoàn toàn. Giờ đây, chúng ta đối mặt sự suy thoái nhiều năm về cả số lượng học sinh lẫn lợi nhuận”, giáo sư Andrew Norton, Đại học Quốc gia Australia, chia sẻ.

Giờ đây, các đại học sẽ cắt giảm 11.000 trong số 21.000 nhân sự mới đang chuẩn bị tuyển dụng. Bên cạnh đó, tinh giản vị trí sẽ khiến 30.000 người mất việc, 130.000 người không được gia hạn hợp đồng trong những tháng tới.

Simone, nữ điều phối viên chương trình thạc sĩ ở Đại học Melbourne, đang cảm nhận rõ ràng những ảnh hưởng của đại dịch. Việc thuê trợ giảng cho môn học gặp phải nhiều quy định và Simone phải làm nhiều việc hơn khoảng 1/3 so với bình thường. “Mọi người đều trở nên căng thẳng, không chỉ vì cắt giảm công việc, mà những gì phải làm cũng đều tăng lên”, cô nói.

Hợp đồng của cô sẽ hết hạn vào tháng 11 tới và cô chưa bao giờ nhận được bất cứ sự đảm bảo gì rằng sẽ được mời ở lại tiếp tục làm việc. Cho dù khoa của cô ít chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm số lượng sinh viên quốc tế, so với các khoa khác trong trường, nhưng những gánh nặng tài chính được san sẻ khắp trường đại học.

Giáo sư Norton cũng cho rằng sự thiếu hụt việc làm sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ, khiến Australia mất đi một thế hệ chuẩn bị bắt đầu sự nghiệp trong một vài năm tới.

Thế nhưng, việc nhanh chóng mở cửa lại biên giới khó có thể trở nên khả thi, với thái độ dè dặt Chính phủ Liên bang Australia, nhất là khi bang lớn thứ hai của đất nước – Victoria phải cách ly xã hội một lần nữa vào tháng 7. Chính phủ Australia đã thử nghiệm đưa 300 học sinh quốc tế đến thành phố Adelaide vào tháng 8, nhưng mọi thông tin về kế hoạch mở cửa biên giới trở lại vẫn chưa được tiết lộ.

Dù Chính phủ Australia giải quyết tình hình thế nào, dịch bệnh đã để lại những thiệt hại không thể cứu chữa.

Phan Nghĩa (Theo Vice)

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img