Đại biểu Quốc hội phản đối đề xuất chỉ định Tổng công ty Sông Đà làm cao tốc Bắc

Các đại biểu Quốc hội cho rằng không nên chỉ định thầu doanh nghiệp nhà nước làm một số đoạn cao tốc Bắc Nam, nhất là khi đơn vị đó đang yếu về nguồn lực tài chính. 

Tổng công ty Sông Đà, đơn vị đang nợ hơn 11.000 tỷ, vừa được Bộ Xây dựng đề xuất chỉ định thi công một số đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông, nhằm “thực hiện chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án PPP sang đầu tư công”.

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội ngày 8/6, ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình nói, không đồng tình với đề xuất này.

“Chỉ định thầu luôn có biểu hiện không lường được khi cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích doanh nghiệp rồi cá nhân. Chưa kể đối tượng được đề xuất chỉ định thầu lại là đơn vị đang thua lỗ, nợ vốn, năng lực cạnh tranh hạn chế”, ông Phương nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Ngọc Thắng

Ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Ngọc Thắng

Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh quy định luật pháp là công khai minh bạch, khuyến khích cạnh tranh. Tại các dự án đầu tư có thể chỉ định thầu hoặc đấu thầu công khai, vì thế hồ sơ thầu khi đưa ra phải nêu những tiêu chí rõ ràng cụ thể tránh lợi ích nhóm, đảm bảo chọn được các nhà đầu tư đủ năng lực chuyên môn trong thi công, vốn. 

Nhưng riêng với tình hình của Tổng công ty Sông Đà, hiện không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay…, ông cho rằng “không nên có các giải pháp giúp đỡ, nâng đỡ họ như vậy”. Thay vào đó, ông Phương nhấn mạnh, cơ quan quản lý cần xem lại trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị khi để tồn tại, xảy ra tình trạng nợ quá lớn.

“Cần tổ chức đấu thầu công khai chọn nhà đầu tư đủ năng lực, không nên chỉ định doanh nghiệp nhà nước làm dự án vì rất dễ phát sinh tiêu cực, khó có dự án chất lượng”, vị đại biểu nhấn mạnh. 

Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh cũng cho rằng, hai phương án chỉ định thầu hoặc đấu thầu để chọn nhà đầu tư đều có ưu, nhược điểm. 

Về nguyên tắc, đấu thầu công khai sẽ chọn được những nhà đầu tư thi công đủ năng lực, trình độ triển khai tốt nhất yêu cầu của gói thầu. Còn chỉ định thầu thì cái khó là làm sao chọn được doanh nghiệp đủ năng lực kỹ thuật, tài chính làm dự án. Nhưng, cả phương án đấu thầu hay chỉ định thầu thì đều phải xác định được tiêu chí chỉ định: năng lực thi công, tài chính. 

“Nếu không có năng lực tài chính thì lấy đâu tiền thi công? Ở đây là câu chuyện tiêu chí hồ sơ thầu và người quyết định hồ sơ mời thầu phải chịu trách nhiệm về điều đó”, ông Sinh nói.

Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế nói “doanh nghiệp ‘khoẻ’ về mọi mặt (thi công, tiền… ) sẽ làm tốt hơn, bất kỳ dự án nào cạnh tranh chọn nhà thầu vẫn là lựa chọn tốt nhất”.

Theo giới thiệu của Bộ Xây dựng, Tổng công ty Sông Đà từng là “ông lớn” nhà nước trong ngành xây dựng. Những dự án lớn gắn với tên tuổi đơn vị này như Hòa Bình, Yaly, Sơn La, Lai Châu, hay cao tốc Nội Bài – Bắc Ninh, Pháp Vân – Cầu Giẽ… Tuy nhiên những năm gần đây, doanh nghiệp này gặp khó khăn về tài chính, duy trì việc làm cho người lao động. Việc cổ phần hoá tại tổng công ty này cũng không thuận lợi, hiện tỷ lệ sở hữu Nhà nước tới gần 99,8% vốn điều lệ.

Anh Minh 

Nguồn bài viết

Bài trướcĐồng sáng lập Reddit từ chức, đề xuất ứng viên da màu thay thế | Công nghệ
Bài tiếp theo30 suất học bổng vào Khoa Quốc tế Đại học Quốc gia Hà Nội