Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng Chính phủ cần các giải pháp khác thay vì dùng “mệnh lệnh” đưa giá thịt về 70.000 đồng, ngược với quy luật cung – cầu.
Tại tổ thảo luận của bốn tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh, Phú Thọ, Bến Tre chiều 8/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết “giá thịt lợn vẫn căng thẳng”. Nguyên nhân là việc tái đàn gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi.
Thủ tướng đã ra lệnh nhập 100.000 tấn thịt lợn, trong đó 70.000 tấn đã về Việt Nam. Do giá thịt từ Trung Quốc khá cao, Chính phủ đang xem xét cho nhập thêm từ Thái Lan.
Với đàn lợn trong nước gần 26 triệu con, ông Tiến hy vọng, giá sẽ hạ nhiệt vào tháng 7-8, khi nguồn cung cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, đại biểu Cao Đình Thưởng nêu vấn đề, nền kinh tế đang vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khi dịch bệnh, nguồn cung giảm thì giá sẽ tăng lên. Thế nhưng, người dân nghe đài, đọc báo, xem truyền hình xong lại hy vọng giá thịt sớm giảm.
Đồng tình, Phó chủ nhiệm Uỷ ban về Các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong khẳng định đây là quy luật cung cầu nên chỉ đạo kéo giá về 70.000 đồng một kg là không ổn.
“Khi dịch bệnh, người nuôi thua lỗ thì ai chịu cho họ mà khi bán được lại áp giá”, ông nói và mong Chính phủ nhanh chóng ổn định giá thịt lợn bằng nhiều giải pháp khác thay vì mệnh lệnh, tránh gây bức xúc cho người dân.
“Giống như chuyện dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, toà nhà 8B Lê Trực, giá thịt lợn đang gây mất niềm tin cho người dân”, ông Phong nói.
Tại tổ TP HCM, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị phân tích, thống kê chi tiết về tình hình dịch bệnh, từ đó đưa ra chính sách có hiệu quả.
“Dịch tả lợn châu Phi bùng phát, Việt Nam đã có giải pháp khống chế. Nhiều lần Thủ tướng, các bộ trưởng chỉ đạo nhưng đến nay vẫn không làm chủ được thị trường, không đủ con giống”, bà nói.
Bà Tâm băn khoăn, cơ quan chức năng nhiều lần nói đến việc cơ cấu lại mô hình sản xuất, giảm chăn nuôi nhỏ, tăng chăn nuôi quy mô công nghiệp, nhưng suốt nhiều tháng qua chưa có biến chuyển. Giống vẫn không đủ, người chăn nuôi không tiếp cận được tín dụng và thịt lợn vẫn phải nhập khẩu. “Đây là bài học đắt giá”, bà Quyết Tâm nêu quan điểm.
Thực trạng thiên tai, hạn mặn đang tàn phá cuộc sống của người dân nhưng thiếu giải pháp xử lý cũng được các đại biểu thảo luận.
“Vừa qua dân miền Tây thiếu nước nhưng chúng ta chỉ giải cứu chứ không có giải pháp mang tính bền vững”, Đại biểu Đặng Thuần Phong nói. Trước việc bà con phải mua nước tưới cây 150.000 đồng/m3, nước sinh hoạt 200.000 đồng/m3, ông Phong băn khoăn, tại sao làm đường ống dẫn nước không tốn bằng làm đường giao thông nhưng không ai nghĩ ra để làm cho dân.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đề nghị Chính phủ phải “thắt lưng buộc bụng”, siết chặt chi tiêu, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, dự án nào cần thiết và khả thi cần đầu tư làm trước. “Phải quan tâm đến phát triển đầu tư công ở các vùng miền, đặc biệt là miền Tây, nơi đang bị tác động nghiêm trọng bởi hạn mặn”, bà nói.
Hoàng Thuỳ – Viết Tuân