Đà Nẵng đề xuất dời lịch thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sang đầu tháng 9 | Giáo dục

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (đợt 1), do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TP.Đà Nẵng đã không thể tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cùng với cả nước.
Trên cơ sở quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.Đà Nẵng, UBND TP.Đà Nẵng đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (đợt 2) tại TP.Đà Nẵng chung với các tỉnh, thành phố khác có thí sinh chưa tham gia kỳ thi đợt 1.

Tuy nhiên, UBND TP.Đà Nẵng đề xuất lịch thi chung vào các ngày 2,3,4,5.9, thay cho lịch thi đợt 2 ngày 29,30,31.8 được Bộ thông báo dự kiến trước đó.

Theo UBND TP.Đà Nẵng, để kỳ thi diễn ra an toàn, đảm bảo sức khỏe cho thí sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên… làm công tác thi, Đà Nẵng sẽ thực hiện nghiêm các hướng dẫn của chính phủ, ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT. Đặc biệt, Đà Nẵng cho biết sẽ tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho 100% thí sinh, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên… làm công tác tổ chức thi.
Trước đó, Thanh Niên đã thông tin, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các địa phương về phòng, chống dịch Covid-19 (chiều 21.8), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đề xuất 2 phương án thi tốt nghiệp THPT xin ý kiến Thủ tướng và Thường trực Chính phủ. Phương án 1, nếu tổ chức thi vào các ngày 29 – 31.8 thì hơn 16.353 thí sinh của 26/27 địa phương dự thi. Riêng TP.Đà Nẵng cần thêm thời gian kiểm soát dịch thì có thể thi vào tháng 9 như địa phương này đề xuất. Phương án 2 là 27 tỉnh, thành còn lại sẽ thi đợt 2 cùng một thời điểm phù hợp.

Theo Bộ GD-ĐT, cả nước có 26.014 thí sinh của 27 tỉnh, thành chưa thi đợt 1. Trong đó, Đà Nẵng có 10.807 thí sinh, Quảng Nam có 9.103 thí sinh, Đắk Lắk có 5.396 thí sinh. Một số tỉnh, thành như Sơn La, Nam Định, Hải Phòng, Kon Tum và Bà Rịa – Vũng Tàu, mỗi nơi chỉ có 1 thí sinh.




Nguồn bài viết

Bài trướcToàn cảnh khu tái định cư đồ sộ ở TP.HCM có hàng nghìn căn hộ không ai ở, đang chờ bán đấu giá
Bài tiếp theoNỗi lo…hoa lan đột biến