Đây là ý kiến của ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) chia sẻ với Thanh Niên sáng nay, 22.5
Theo ông Nam, trong ngày hôm qua 21.5, sau khi báo chí thông tin phản ánh của một phụ huynh học sinh lớp 1A1 Trường tiểu học Quang Trung (P.Vạn Mỹ, Q.Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) về việc con gái của người này bị đứng ngoài cổng trường trong
thời tiết nắng nóng vì đi học quá sớm, chính quyền TP.Hải Phòng đã xuống tận nơi xử lý vụ việc rất nhanh chóng.
Vụ học sinh lớp 1 ra cổng trường đứng vì sợ bị phê bình: Xử lý ra sao?
|
Tuy nhiên, qua vụ việc trên, ông Nam chỉ rõ 2 nguyên tắc cơ bản về quyền trẻ em (TE) mà giáo viên đã vi phạm nghiêm trọng. Đó là, nguyên tắc lợi ích tốt nhất cho TE. “Lẽ ra trong trường hợp này, vì lợi ích tốt nhất của TE, giáo viên và nhà trường phải tạo điều kiện cho học sinh vào trong trường ngồi chờ đợi hoặc có nước cho học sinh uống… Việc giáo viên nhắc nhở học sinh đi học sớm, để học sinh đứng nắng ngoài cổng trường… vi phạm lợi ích tốt nhất cho TE, một nguyên tắc xuyên suốt của luật TE và Công ước quốc tế về quyền TE”, ông Nam nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Nam, nhà trường và giáo viên cũng đã vi phạm nguyên tắc tôn trọng trẻ em. Dù là học sinh còn ít tuổi nhưng các em cũng là con người, đều phải được tôn trọng như nhau. Ông Nam nhìn nhận: “Trong khi giáo viên được ngồi phòng hội đồng có quạt mát, máy lạnh, thì học sinh lại phải đứng ở ngoài cổng trường giữa trưa nắng. Chưa kể cô giáo chủ nhiệm bắt học sinh dàn hàng ngang chụp ảnh đưa nhóm phê bình, mặc dù đây là nhóm kín trên
mạng xã hội. Cách hành hành xử quá cứng nhắc như vậy là không ổn, cô giáo đã không hiểu về quyền TE, không chỉ xúc phạm học sinh, mà còn có cả yếu tố bạo lực học đường trong đó”, ông Nam bức xúc.
Cần bổ sung môn học về quyền TE
Theo ông Nam, vấn đề tiếp theo là cần phải có những giải pháp để những vụ việc tương tự không xảy ra bởi đây không phải là vụ việc đầu tiên tại Hải Phòng. Trước đó, dư luận cũng đã phẫn nộ về việc một giáo viên bắt
phạt học sinh súc miệng bằng nước giẻ lau bảng.
Ông Nam, cho rằng hiện nay việc tập huấn kỹ năng quyền TE cũng đã làm, trong trường sư phạm có môn về tâm lý
giáo dục, nhưng tâm lý giáo dục không chưa đủ cần đưa môn học về quyền TE trở thành môn học chính thức. “Giáo viên là người thực hiện quyền TE trong trường học, được đi học được tiếp thu các tri thức, dạy chữ, dạy người. Kỹ năng thực hiện quyền TE phải ngấm vào trong từng giáo viên thì hành xử mới đúng được. Nếu không trở thành kỹ năng, khi bột phát dẫn đến hành xử không đúng. Kiến thức học trong các trường sư phạm chưa đủ, trong thời buổi bây giờ, giáo viên cần phải hiểu về quyền TE, dạy TE và ứng xử với TE theo đúng quyền, đúng bổn phận của mình. Vì vậy, cần phải cập nhật kiến thức kỹ năng thực hành quyền TE vào trong nhà trường cho giáo viên”, ông Nam nói.
Về lâu dài, ông Đặng Hoa Nam cho biết, Bộ LĐ-TB-XH sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT đưa vào giảng dạy cho giáo viên kỹ năng giáo dục tích cực, hay còn gọi là
kỷ luật tích cực. Đó là môn học dựa trên tiếp cận về quyền TE, muốn triển khai được cần phải có thời gian. Cũng theo ông Nam, Quốc hội sẽ cho ý kiến và kiến nghị cụ thể về chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Chắc chắn chắc chắn việc phòng ngừa phòng chống xâm hại TE và
bạo lực học đường sẽ tích cực hơn.