Cụ thể, trong tháng 10 có 132 đợt đăng ký phát hành
trái phiếu doanh nghiệp với giá trị đăng ký 32.312 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá trị phát hành thực tế thành công chỉ đạt 16.947 tỉ đồng, bằng 52,4% so với đăng ký. Tỷ lệ này tiếp tục sụt giảm so với mức 59,1% thực hiện thành công trong tháng 9.
Trong đó, nhóm doanh nghiệp
bất động sản phát hành chiếm tỷ trọng 28,7%, nhóm ngân hàng chiếm 20,54%, các công ty chứng khoán chiếm 0,89% và các doanh nghiệp khác chiếm gần 49,87%. Kỳ hạn phát hành bình quân trong tháng 10 là 2,97 năm, phổ biến nhất là kỳ hạn 1-3 năm với lãi suất từ 9,5-11%.
Trong tháng 10, thương vụ phát hành
trái phiếu đáng chú ý nhất là Công ty TNHH Vinametric thực hiện 23 thương vụ huy động liên tiếp với tổng giá trị phát hành 3.230 tỉ đồng.
Đặc biệt, Công ty cổ phần đầu tư thương mại Hồng Hoàng – một doanh nghiệp chỉ vừa thành lập được khoảng 3 năm – với số vốn đăng ký 5 tỉ đồng đã công bố phát hành thành công 1.403 tỉ đồng trái phiếu vào ngày 29.10. Bên mua chỉ được tiết lộ là một nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không rõ danh tính. Đơn vị đứng ra tổ chức thu xếp vốn và là đại lý lưu ký cho lô trái phiếu nói trên là Công ty chứng khoán ACB.
Đáng chú ý, lô trái phiếu có kỳ hạn 5 năm (hoặc theo thỏa thuận của nhà đầu tư) của Công ty Hồng Hoàng có mức
lãi suất phát hành thực lên đến 20%/năm. Đây là mức
lãi suất cao kỷ lục trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, bỏ xa mức lãi suất được xem là khá cao 14,5% của trái phiếu do Công ty bất động sản Phát Đạt phát hành trước đó. Với lãi suất vay của trái phiếu là 20%/năm, mỗi năm Công ty Hồng Hoàng sẽ phải trả lãi 280 tỉ đồng.
Công ty Hồng Hoàng cũng là đơn vị vào ngày 30.10 vừa qua đã mua thỏa thuận hơn 66,77 triệu cổ phiếu ACB trên sàn
chứng khoán với tổng giá trị giao dịch 1.446 tỉ đồng. Việc này chỉ diễn ra sau 1 ngày khi công ty phát hành thành công số trái phiếu huy động vốn nói trên. Do vậy nhiều thông tin cho rằng việc huy động vốn qua đợt phát hành trái phiếu nhằm để thanh toán cho thương vụ mua số cổ phiếu ACB này.