Cổng dữ liệu tháo gỡ ‘nút thắt’ của ngành công nghiệp phụ trợ

Hệ thống hiện thu thập thông tin của 3.652 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, là tiền đề thắt chặt liên kết đầu cuối trong chuỗi sản xuất của ngành. 

Ngày 19/6, “Lễ khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” đã diễn ra. Sự kiện do Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương phối hợp Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức, với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).

Công nghiệp chế biến, chế tạo được ví như xương sống nền kinh tế, là động lực dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành công nghiệp, cũng là lĩnh vực chủ lực thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 2019, cả nước thu hút 3.478 dự án mới, với tổng vốn gần 31,8 tỷ USD. Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với tổng vốn đạt 21,6 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Dẫu vậy, việc kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn lỏng lẻo. Nhiều doanh nghiệp còn loay hoay với câu chuyện kết nối cung – cầu. Hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được coi là một trong những giải pháp tháo gỡ vấn đề này.

Hiện thực hóa nhiều mục tiêu của doanh nghiệp

Chia sẻ tại sự kiện, ông Jang Yoon Ho, Giám đốc bộ phận quan hệ đối tác, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam cho rằng, các hoạt động tìm kiếm nhà cung ứng tại Việt Nam còn hạn chế. Nhà đầu tư khó khăn trong tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí.

“Với nguồn dữ liệu đầy đủ lĩnh vực như ôtô, điện tử, dệt may, da giày…, hệ thống dữ liệu này sẽ là công cụ quan trọng để tìm kiếm khai thác các doanh nghiệp nội địa tiềm năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Jang Yoon Ho nhấn mạnh.

Hệ thống này cũng giới thiệu chính sách của Chính phủ, xu hướng thị trường trong và ngoài nước… cùng  lượng dữ liệu được cập nhật thường xuyên với tính ứng dụng cao.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội da – giày – túi xách Việt Nam, sau 20 năm, ngành xuất khẩu da giày tăng trưởng gấp hơn 20 lần, thu hút 1,5 triệu lao động, đóng góp 9% vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đứng thứ hai về xuất khẩu da giày trên thế giới… “Việc thành lập cơ sở dữ liệu giúp cho ngành da giày nói riêng, ngành công nghiệp nói chung đạt được nhiều mục tiêu tham vọng”, bà Xuân nói.

Từ trái qua: Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh,.... 

Từ trái qua: Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Đại sứ Australia tại Việt Nam bà Robyn Mudie, ông Ivo Sieber – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sĩ.

Theo bà Xuân, hệ thống giúp việc kết nối doanh nghiệp trong nước phát triển, đa dạng hóa các nguồn cung, kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu với doanh nghiệp sản xuất hoàn chỉnh. Mặt khác, hệ thống cơ sở dữ liệu giúp nâng cấp chất và lượng doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn khi hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là tiền đề tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một lợi ích khác cơ sở dữ liệu mang lại, theo bà Xuân, đó là công cụ để phòng vệ thương mại trong tranh chấp thương mại khi hội nhập kinh tế quốc tế. Hệ thống cũng giúp hoạch định các chính sách, chiến lược giúp các ngành công nghiệp phát triển, giải quyết nút thắt về nguyên phụ liệu trong thời kỳ qua, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm trong nước.

Đồng tình với các nhận định trên, ông Bùi Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội thừa nhận, dưới tác động của đại dịch Covid-19 vừa qua, khi tất cả hoạt động xúc tiến thương mại bị đình trệ hoặc chuyển sang trạng thái giao thương, kết nối trực tuyến, hệ thống cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng.

“Bệ phóng” gia nhập thị trường quốc tế

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ là dấu mốc quan trọng giải quyết nhu cầu hình thành mạng lưới kết nối B2B trong nước với nước ngoài.

Sau quá trình triển khai khảo sát thu thập thông tin doanh nghiệp, đến nay, Cục Công nghiệp đã cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về các doanh nghiệp, gồm 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, 347 doanh nghiệp trong lĩnh vực ôtô, 750 doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, 1.145 doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và 910 doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày.

Là đơn vị phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu này, ông Kyle Kelhofer – Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế IFC cho rằng, quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Họ đã cung cấp những ý kiến quý giá từ góc độ người dùng trong quá trình thiết kế và kiểm nghiệm.

“Cơ sở dữ liệu hoạt động trong thời điểm quan trọng với chúng tôi, đặc biệt khi Covid-19 thay đổi đáng kể diện mạo các chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh này, điều quan trọng là đảm bảo ổn định và thúc đẩy sự gia nhập vào chuỗi cung ứng. Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã chiến thắng đại dịch và định vị là điểm đến của chuỗi cung ứng, cũng như trung tâm khu vực sản xuất chế tạo an toàn, ổn định và hấp dẫn”, đại diện IFC nhấn mạnh.

Cũng theo vị này, cơ sở dữ liệu chỉ là bước đầu tiên. “Sự hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp,  những người sử dụng cũng như khởi tạo thông tin là yếu tố quan trọng. Khi chúng ta thực hiện nỗ lực đó thì cơ sở dữ liệu sẽ trở thành ‘mỏ vàng’ cho tất cả người sử dụng”, ông Kyle Kelhofer.

Các chuyên gia kinh tế quốc tế có mặt trong sự kiện. Ảnh: VGP.

Các chuyên gia kinh tế quốc tế có mặt trong sự kiện. Ảnh: VGP.

Đại diện IFC cam kết hỗ trợ Cục Công nghiệp trong chương trình phát triển các nhà cung ứng Việt Nam, mong muốn hệ thống cơ sở dữ liệu tiếp tục thúc đẩy, dẫn đến những kết nối, những hợp đồng nhiều hơn giữa nhà cung ứng và các doanh nghiệp toàn cầu..

Ông Ivo Sieber – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sĩ tại Việt Nam cũng chia sẻ, các nước trên thế giới với đại dịch Covid-19 đang có sự suy giảm tăng trưởng. Tuy nhiên ở Việt Nam, doanh nghiệp từng bước phục hồi. Các doanh nghiệp trong nước đã có những bước chuẩn bị tiếp tục gia nhập lại chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như thúc đẩy cơ hội hợp tác trên thị trường quốc tế.

Vị này nhấn mạnh cam kết của Thụy Sĩ cho dự án này, bằng cách hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) kết nối với doanh nghiệp toàn cầu. “Chúng tôi có những tập đoàn đa quốc gia nhưng SME cũng chiếm tới 2/3 công ăn việc làm trong nền kinh tế… Thông qua hỗ trợ kỹ thuật, chúng tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm  trong việc tạo ra môi trường thuận lợi cho SME tham gia chuỗi giá trị toàn cầu một cách hiệu quả hơn và thành công”, đại sứ Thụy Sĩ nói.

Trong sự kiện, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia, bà Robyn Mudie thông tin, ngày 29/5 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Australia tuyên bố chương trình đối tác của Chính phủ Australia về chiến lược phục hồi kinh tế, gồm chương trình hỗ trợ phát triển của Australia trong phản ứng với Covid-19, tập trung vào khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Theo vị này, còn dư địa lớn cho Việt Nam tăng tỷ trọng xuất khẩu sang Australia. Năm 2018, nước này nhập khẩu hơn 60 tỷ USD hàng hóa trong lĩnh vực chế tạo của Việt Nam, nhưng chưa đầy 5% lượng thương mại hàng hóa chế tạo từ Việt Nam. Cơ sở dữ liệu có thể giúp hai nước thực hiện mục tiêu này thông qua thúc đẩy kết nối giữa SME Việt Nam với doanh nghiệp FDI.

Hoài Phong

Nguồn bài viết

Bài trướcApple đang phát triển hai thiết bị đeo AR/VR | Công nghệ
Bài tiếp theo“Phố lợn” đìu hiu vì giá quá cao