Cổ phiếu FLC không được giao dịch ký quỹ

HoSE vừa đưa mã FLC vào danh sách không đủ điều kiện ký quỹ vì công ty chịu lỗ trên báo cáo hợp nhất soát xét bán niên.

Trên báo cáo tài chính soát xét nửa đầu năm nay, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC ghi nhận khoản lỗ ròng gần 2.800 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức lãi hơn 24 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019.

Trong 6 tháng, FLC ghi nhận gần 6.500 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 4% so với cùng giai đoạn năm trước. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh dưới giá vốn khiến lỗ gộp ghi nhận hơn 2.200 tỷ đồng. Cùng các khoản chi phí trong kỳ, FLC đã thuần 2.785 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, khoản lỗ này chủ yếu do hoạt động cung cấp dịch vụ. Mảng kinh doanh này ghi nhận hơn 1.900 tỷ đồng doanh thu trong nửa đầu năm nay, nhưng chi phí lên tới hơn 4.400 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu FLC hiện giao dịch ở mức 3.120 đồng, tương đương với giá trị vốn hóa hơn 2.200 tỷ đồng.

Tại phiên họp thường niên đầu tháng 6, FLC đặt kế hoạch lỗ ròng gần 2.000 tỷ đồng trong năm nay. Lãnh đạo FLC cho biết, sẽ tập trung mọi nguồn lực, chủ động hơn nữa trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực vốn là thế mạnh để đạt hiệu quả tối đa. Doanh nghiệp này kỳ vọng có thể phục hồi và có lãi trong hai quý cuối năm.

Tính đến hết tháng 6, FLC có tổng tài sản hơn 34.000 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Phần tài sản này được hình thành từ nguồn vốn chủ sở hữu hơn 10.300 tỷ, còn nợ phải trả đạt gần 23.700 tỷ đồng.

Trong các công ty thành viên, Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) là cái tên đáng chú ý nhất. FLC hiện đang sở hữu hơn 52% tại hãng bay này.

Trước FLC, HoSE cũng đưa mã HVN của Vietnam Airlines vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện ký quỹ vì báo cáo tài chính bán niên ghi nhận lỗ sau thuế gần 6.700 tỷ đồng.

Minh Sơn

Nguồn bài viết

Bài trướcTOTO Việt Nam sắp đầu tư dự án 100 triệu USD tại Vĩnh Phúc
Bài tiếp theoƯớc tồn quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Petrolimex còn 4.290 tỷ đồng