|
Lần in song ngữ này, anh cũng quyết định tái bản luôn quyển Bước chậm bên dòng Hương Giang viết về Huế bằng song ngữ (đã in cuối năm ngoái), mà tôi đã có dịp viết đôi dòng giới thiệu. Cả hai quyển sách được kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng cho người đem đến gửi tặng, đều mang một tình cảm với miền Trung duyên nợ, bởi anh ấp ủ điều này khá lâu, nhiều lần tâm sự mỗi khi pha phin cà phê ngon, rủ tôi đến thưởng thức trên căn gác của tòa nhà trên phố Trần Khắc Chân, khu Tân Định Sài Gòn, nơi công ty kiến trúc V.Archi của anh tọa lạc đã nhiều năm.
Với Miền di sản, Nguyễn Ngọc Dũng thêm một lần nữa chứng tỏ cái duyên rất đượm khi viết du khảo vùng miền. Duyên ấy, có lẽ ít ai có được khi mỗi nơi anh đặt chân đến ở dải đất khá dài phía nam Hải Vân quan, là lúc anh dõi đôi mắt tinh tế theo từng tầng khối kiến trúc xưa, trong mỗi món ăn đậm đà dân dã, hay những câu chuyện nhẩn nha kể lại về mỗi địa danh hoặc lý giải đôi điều về lịch sử của một làng, một thị trấn… Xem đó như là điều tâm huyết anh rút tỉa và phô bày vào sách, với từng điểm nhấn nơi đi chốn đến của một gã lang thang, như anh tự gọi mình.
|
“Đặt chân đến mỗi vùng đất, chúng ta bất chợt bắt gặp quá khứ của mình, cái quá khứ chợt lướt qua, biến mất rồi bây giờ lại hiển hiện. Lang thang để tìm lại quá khứ hay hướng đến tương lai, đứng trước những di tích nhớ quá khứ thời trai trẻ đã đến, bây giờ nó đang hiện hữu, giống như lang thang vô định, bất chợt trở về lại điểm xuất phát… Và Quảng Nam là một nơi như thế” (lời mở đầu chương 3, trang 116). Nguyễn Ngọc Dũng định danh một xứ sở, nơi mình đến và viết: Đà Nẵng và Quảng Nam, như vậy. Lẽ dĩ nhiên, rất đan xen một thứ tư duy mà tôi khó có thể dùng cụm từ nào để mô tả hay hơn, là “chủ nghĩa hiện thực huyền diệu”. Hiện thực, là điều anh ngang dọc nắm bắt để “phả” vào sách, nhưng huyền diệu là một thứ lịch sử rất khó hình dung, là một cái hồn quá vãng của hàng trăm năm đôi khi khó tin được, nhưng nó đã từng xảy ra. Điều ấy, tôi cảm nhận được ở sách của Dũng, không chỉ ở quyển du khảo này.
|
|
Hội quán Phước Kiến hay còn gọi là Kim Sơn tự, hoặc Hội quán Quảng Triệu còn được nhắc đến bằng tên Hội quán Quảng Đông gần chùa Cầu. Những nơi Dũng đến, anh đều ghi lại những dấu tích thời gian. Ví như: “Nơi đây thờ bà Thiên hậu Thánh mẫu và các vị thần bảo hộ về sông nước, tiền của, con cái, tổ tiên, nơi họp đồng hương… được xây dựng vào năm 1697”. Và “Tương truyền, Thiên hậu Thánh mẫu là người họ Lâm, tỉnh Phúc Kiến, lúc nhỏ là một đứa bé bị câm. Lên 8 tuổi, bà được một ông tiên cho theo học đạo và được ban phép thần thông hô mưa gọi gió với điều kiện chỉ được làm những việc thiện. Bà được gọi là nữ thần của biển cả, phù hộ những người đi biển…” (đoạn kể lại câu chuyện xuất phát của Kim Sơn tự, trang 120). Cứ như thế, các di tích kiến trúc cổ của người Minh hương, đã vượt biển cả đến nơi đây tự bao đời, mưu sinh và tồn tại nhiều thế kỷ qua, được tác giả kể lại chi tiết ngọn ngành, mải miết và rất sinh động.
|
Hay khi đề cập đến mấy ngôi tháp cổ gọi là tháp Chiên Đàn thuộc xã Tam An, TP.Tam Kỳ, nằm không xa mấy với quần thể tháp ở Thánh địa Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên, Quảng Nam), tác giả mô tả bằng nhiều kiến thức thú vị: “Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ 10, đầu thế kỷ 11 trong thời kỳ vương quốc Chămpa chuyển kinh đô từ Quảng Nam về Bình Định, dưới thời vua Yan Pu Ku Vijaya. Tháp cổ Chiên Đàn, phiên âm từ chữ Chandan của tiếng Phạn, mang nghĩa “cây lô hội”, có hình dáng gần giống với phong cách của Thánh địa Mỹ Sơn và tháp Chăm Bình Định”…
|
Với người viết, một chiều mưa Sài Gòn, đọc những dòng trong quyển sách, lại nghe vọng âm vang thời gian từ những ngôi tháp Chăm bí ẩn kỳ diệu, một vỉa trầm tích dường như chưa được khai mở là mấy. Và thốt nhiên, bỗng thèm một tô cao lầu bốc khói thơm lựng, để tưởng như hôm nào ngồi trên căn gác của con phố nhìn ra sông Hoài giữa buổi chiều tà, vẳng nghe tiếng vài chiếc ghe bầu chở du khách rẽ nước về đâu…
• Đọc Miền di sản, Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng, NXB Hồng Đức 9.2020