HomeThương trườngCơ khí Việt Nam kẹt vốn, mất thị trường

Cơ khí Việt Nam kẹt vốn, mất thị trường

Có lịch sử phát triển vài chục năm nhưng ngành cơ khí lại đang thua ngay trên “sân nhà” khi mỗi năm phải nhập hàng chục tỷ USD thiết bị, máy móc.

Điểm nghẽn của ngành cơ khí Việt Nam được các doanh nghiệp, chuyên gia mổ xẻ tại hội nghị về giải pháp phát triển ngành cơ khí Việt Nam ngày 24/9.

Ông Đào Phan Long – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) nhận xét, ngành cơ khí Việt Nam hiện mới ở trình độ cách mạng 3.0 và còn rất xa mới tiến tới được 4.0 như các nước. Theo ông, có lịch sử phát triển vài chục năm qua nhưng ngành cơ khí lại đang “mất sân ở thị trường nội địa”. Sản phẩm cơ khí nghèo nàn, giá thành cao khiến mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập hàng chục tỷ USD trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất của nền kinh tế.

“Chất lượng sản phẩm cơ khí của doanh nghiệp thấp, giá thành sản xuất cao và thiếu sức cạnh tranh. Trình độ cơ khí chế tạo, đặc biệt là cơ khí chính xác, lạc hậu so với nhiều nước”, ông Long nói. 

Tình thế này, theo đại diện VAMI, có thể đảo chiều nếu có chính sách phát triển ngành cơ khí nội địa “đậm tính thị trường hơn”; thuế, lãi suất vay với doanh nghiệp nhóm ngành này hợp lý hơn. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng của một doanh nghiệp cơ khí, bên lề hội nghị ngày 24/9. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng của một doanh nghiệp cơ khí, bên lề hội nghị ngày 24/9. Ảnh: VGP

Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Chỉ Sáng – Phó chủ tịch VAMI cho rằng, ngành cơ khí bị hạn chế về vốn do vốn vay ngân hàng thương mại thường ngắn, lãi suất cao, trong khi vốn cố định cho sản xuất cơ khí thường lớn, vòng quay vốn lưu động lại thấp, thời gian thu hồi vốn dài.

Ngoài ra, áp lực cạnh tranh đặc biệt từ Trung Quốc rất lớn do Chính phủ nước này có những chính sách kiên định, lâu dài để hỗ trợ, đặc biệt với cơ khí xuất khẩu. “Việt Nam chưa có các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường nội địa cho ngành cơ khí. Các chính sách về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong một thời gian dài chưa thực sự giúp bảo vệ thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu đối với các sản phẩm cơ khí của Việt Nam”, ông Sáng nhận xét.

Phó chủ tịch VAMI dẫn chứng, dự án phát triển đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị, không hề đề cập đến chương trình nội địa hóa mà mặc nhiên là mua của nước ngoài, như vậy sẽ phải chịu giá rất cao. “Nếu có chủ trương, ta sẽ nội địa hóa đến 60%, làm chủ việc quản lý dự án, chế tạo thiết bị giá thành sẽ giảm rất nhiều”, ông Sáng nêu.

Tồn tại nữa, theo đại diện VAMI, là phần lớn các doanh nghiệp cơ khí trong nước “chậm lớn”, thiếu liên kết, hợp tác giữa tổ chức tư vấn thiết kế và nhà chế tạo…  dẫn đến tình trạng đầu tư chồng chéo, hiệu quả đầu tư kém, sản phẩm không có tính cạnh tranh so với sản phẩm ngoại nhập.

Nếu để doanh nghiệp trong nước tự cạnh tranh với các công ty FDI lớn, theo ông, không bao giờ thắng được mà cần tạo lập một số doanh nghiệp đầu đàn, có năng lực về vốn và kỹ thuật để “hút” các doanh nghiệp nhỏ bám theo. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Hà, đại diện Công ty TNHH cơ khí Bùi Văn Ngọ bày tỏ, điều các doanh nghiệp cơ khí nội địa cần lúc này là chính sách ổn định, xuyên suốt, lãi suất vay ngân hàng và thuế hợp lý hơn. “Nếu không có ‘bàn tay’ hỗ trợ của Nhà nước thì sẽ vô cùng khó khăn. Vấn đề ở chỗ Thủ tướng, Chính phủ có “quyết chiến” để đưa ngành cơ khí tiến bước hay không?”, ông nêu vấn đề.

Lắng nghe tâm tư của các doanh nghiệp cơ khí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ có Nghị quyết về giải pháp phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2030. 

Ông nhấn mạnh, chính sách tới đây “đi tắt đón đầu” để cơ khí phát huy lợi thế người đi sau trong bối cảnh hội nhập. “Phải xác định thị trường rõ nét hơn, xác định phân khúc thị trường trong – ngoài nước, từ đó có các chính sách kèm theo, đặc biệt là thuế và lãi suất rõ hơn.”, Thủ tướng nói. 

Nhiệm vụ này sau đó cũng được Thủ tướng giao cụ thể cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học & Công nghệ cùng các đơn vị liên quan. Ngoài thuế và lãi suất, Thủ tướng cũng yêu cầu đề xuất các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút FDI trong lĩnh vực.

“Việt Nam chúng ta cần xây dựng một ngành cơ khí ngang tầm các nước trong khu vực. Vì vậy, các nhà đầu tư, doanh nghiệp cơ khí đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam cần nỗ lực, chủ động hơn nữa trong đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ để tăng sức cạnh tranh”, Thủ tướng bày tỏ.

Anh Minh

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img