HomeThương trườngCơ hội thúc đẩy công nghiệp phụ trợ tại triển lãm Vimexpo

Cơ hội thúc đẩy công nghiệp phụ trợ tại triển lãm Vimexpo

Với mục tiêu “kết nối để phát triển”, Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam – Vimexpo 2020 sẽ là điểm gặp gỡ giữa các doanh nghiệp để hiện thực hóa các nhiều chính sách mới từ Nghị quyết 115 của Chính phủ nhằm tạo cú hích cho ngành này.

Triển lãm sẽ mở 250 gian hàng của 150 đơn vị trên diện tích trưng bày 5.000 m2 giới thiệu sản phẩm của 6 nhóm công nghiệp hỗ trợ mục tiêu, gồm dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghiệp công nghệ cao.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, đây không chỉ là sân chơi lớn nhất của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam mà còn có tầm ảnh hưởng quốc tế. Doanh nghiệp tham gia mua hàng công nghiệp có thể tìm kiếm những sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt nhất.

Công nghiệp phụ trợ là bước đệm để sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Công nghiệp phụ trợ là bước đệm để sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Vimexpo cũng là nơi giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm của rất nhiều chuyên gia, nhà quản lý và doanh nhân thành đạt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Doanh nghiệp có thể tìm thấy nhà cung cấp phù hợp hay cập nhật công nghệ mới.

Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển song song với nền kinh tế chung. Các hoạt động triển lãm được xem là kênh để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành tăng cường kết nối với các nhà cung cấp, nâng cao kinh nghiệm.

Sự kiện thuộc Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ, do Bộ Công Thương phối hợp Cục Công nghiệp, Công ty Quảng cáo và Hội chợ Triển lãm CIS Vietnam tổ chức. Việc nâng cao sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp hỗ trợ để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao.

Theo Bộ Công Thương, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; năm 2030 đáp ứng 70% nhu cầu nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.

Công nghiệp phụ trợ phát triển sẽ đem lại nhiều cơ hội cho Việt Nam.

Công nghiệp phụ trợ phát triển sẽ đem lại nhiều cơ hội cho Việt Nam.

Bộ Công Thương đánh giá sự kiện có ý nghĩa lớn với các doanh nghiệp sản xuất, bởi Covid-19 thời gian vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi giá trị ngành sản xuất toàn cầu, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội toàn cầu.

Thực tế, trong 8 tháng đầu năm qua mặc dù sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, ngành chế biến chế tạo vẫn duy trì mức tăng 3,7%, góp 3 điểm phần trăm vào mức tăng chung, cho thấy vai trò rất lớn của ngành này.

Covid-19 kéo dài sẽ làm chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Nhiều ngành sản xuất công nghiệp chỉ lực như dệt may, da giày, điện tử, điện thoại, xe có động cơ… bị tác động do đơn hàng suy giảm đầu ra khó khăn.

Phát triển công nghiệp phụ trợ là động lực để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ thành các doanh nghiệp vệ tinh cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn trong tương lai. Mục tiêu của ngành là giúp Việt Nam giảm gánh nặng nhập khẩu. Công nghiệp hiện nay lấy xuất khẩu là động lực, thì phát triển công nghiệp phụ trợ cần lấy thay thế nhập khẩu là động lực, trong đó tiềm lực nằm ở khối dân doanh. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam còn rất hạn chế, nhất là các linh, phụ kiện đòi hỏi tính chính xác cao.

Bộ Công Thương nhận định, việc đưa ra cơ chế chính sách kịp thời nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn này là một trong những giải pháp cấp thiết. Những động lực mới giúp phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà còn tác động đến toàn ngành công nghiệp nói riêng và sự phát triển bền vững kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn.

Thành Dương

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img