Cà MauCô giáo Huỳnh Sơn Ca, 31 tuổi, ở huyện Trần Văn Thời hát cải lương tác phẩm văn học, giúp học sinh dễ nhớ bài.
Mặc áo dài, đứng trên bục giảng, cô giáo Sơn Ca, giáo viên ngữ Văn, trường THPT Võ Thị Hồng, vào bài giảng một cách nhẹ nhàng. Cô bắt nhịp rồi cất giọng ca cải lương từng đoạn trích “Hoạn Thư bắt Thúy Kiều”, trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, thay vì đọc theo cách truyền thống.
Với chất giọng ngọt ngào, cô chậm rãi, nhấn nhá từng câu: “Thúc kỳ Tâm đã kết duyên cùng nàng họ Hoạn. Vốn là con quan lại bộ thượng thư huyện Vô Tích, Châu Thường. Khi chàng đến ở Lâm Truy, chốn ăn chơi theo điều hoa nguyệt. Gặp giai nhân Thúy Kiều…“
Phía dưới, học sinh chăm chú lắng nghe. Nhiều em mang tập ra chép lại, số khác lẩm bẩm theo một cách thích thú. Sau vài tiết học được lồng ghép cải lương, nhiều em đã tìm những bài nhạc, bài cổ lên quan rồi tập hát theo. Tới lớp, các em xin cô giáo lên thể hiện cho các bạn nghe và xem đó là một cách học dễ nhớ bài.
Nữ sinh Lâm Huệ Như, học lớp 10C2 cho hay, từ hồi cô hát cải lương các tác phẩm, em rất thích. “Truyện Kiều rất dài, em rất ngán học. Tuy nhiên, giọng cô hát hay và cách dạy này giúp em có tâm lý thoải mái, dễ tiếp nhận hơn”, Như nói.
Cô Sơn Ca có cha là nhạc công Lục huyền cầm. Ở tuổi lên 5, cô hát được nhạc cổ và từng đạt giải nhất cuộc thi “Tiếng hát Đại học Cần Thơ”, giải B và C về đơn ca tài tử liên tỉnh Cà Mau – Bạc Liêu – Sóc Trăng, nên “ngấm vào máu thịt” từng câu ca, làn điệu.
Cô Sơn Ca sinh ra và lớn lên ở vùng quê còn nhiều khó khăn thuộc xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời. Cha cô là nhạc công Lục huyền cầm. Ở tuổi lên 5, cô hát được nhạc cổ và từng đạt giải nhất cuộc thi “Tiếng hát Đại học Cần Thơ”, giải B và C về đơn ca tài tử liên tỉnh Cà Mau – Bạc Liêu – Sóc Trăng, nên “ngấm vào máu thịt” từng câu ca, làn điệu.
Sau khi tốt nghiệp Đại học ngành sư phạm cô về dạy tại trường thuộc xã đảo Khánh Bình Tây đã 8 năm và ấp ủ đưa thế mạnh cải lương vào các tiết học.
Thoạt đầu, nữ giáo viên thử nghiệm bằng những câu ca cao, tục ngữ gần gũi với đời thường. Chẳng hạn thay vì đọc “Công cha như núi thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, thì cô lại ngân nga theo điệu cổ bản. Hồi tuần trước, nữ giáo viên bắt đầu thử ca hát cải lương trích đoạn trong tác phẩm văn học.
Theo ông Phan Văn Lil, Phó hiệu trưởng trường THPT Võ Thị Hồng, nhà trường khuyến khích thầy, cô sáng tạo trong giảng dạy, giúp học sinh dễ tiếp cận nhất với kiến thức và các em không bị áp lực, cảm thấy khô cứng trong các bài giảng. Tại trường, mỗi giáo viên có phương pháp dạy khác nhau, nhưng áp dụng hát cải lương khi dạy như cô Sơn Ca thì khá đặc biệt.
“Giáo viên này biết cách tận dụng thế mạnh của bản thân, giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt, hiệu quả”, Phó hiệu trưởng nhìn nhận.
Còn cô Sơn Ca nói cảm thấy vui khi việc của mình làm được các em đón nhận và mang lại hiểu quả trong học tập. Nữ giáo viên đang lên kế hoạch đưa đàn vào tiết học để đánh, giúp học sinh hào hứng hơn.
Khánh Hưng