Số thuế thu mỗi ngày hàng trăm tỉ đồng
Ngoài công việc văn phòng, chị Nguyễn Ngọc (TP.Hà Nội) từ nhiều năm nay chọn kênh
đầu tư chứng khoán để kiếm thêm thu nhập. Doanh số giao dịch cổ phiếu trên
thị trường chứng khoán hằng tháng của chị Nguyễn Ngọc từ 2 – 3 tỉ đồng, nộp thuế từ 2,4 – 3 triệu đồng mỗi tháng. Chủ yếu “lướt sóng” nên thời gian qua, thị trường sôi động nên chị Ngọc giao dịch nhiều hơn, số thuế đóng vì thế cũng cao hơn vì cứ mỗi lần mua bán, công ty chứng khoán sẽ khấu trừ tiền thuế 0,1% trên giá bán ra.
Cục Thuế TP.HCM cho biết số
thu thuế từ lĩnh vực chứng khoán tăng đột biến 221,3% trong 4 tháng đầu năm, góp phần đưa số thu thuế thu nhập cá nhân tăng 7,12%. Tốc độ thu thuế chứng khoán tăng vượt nhiều lần so với các khoản khác như chuyển nhượng bất động sản tăng 83,75% so với cùng kỳ 2020, đầu tư vốn của cá nhân tăng 45,76%, hoạt động sản xuất
kinh doanh tăng 10,17%. Ông Nguyễn Duy Minh, Vụ phó Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân – Tổng cục Thuế, cho biết việc áp dụng thuế suất 0,1% trên giá bán chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân nhằm tạo điều kiện thuận tiện trong quá trình thực hiện. Thuế thu từ chứng khoán không cao trong tổng thu thuế thu nhập cá nhân, thế nhưng gần đây số thu của chứng khoán tăng lên nhiều do thị trường chứng khoán thu hút nhiều người tham gia. Doanh số giao dịch chứng khoán tăng cao gấp 2 – 3 lần sẽ góp phần tăng số
thu ngân sách.
Điều này phù hợp với thực tế thị trường. Đơn cử ngày 28.5, lực cầu xuất hiện trên thị trường chứng khoán đẩy tổng khối lượng giao dịch trên sàn HOSE đạt gần 768,85 triệu đơn vị, giá trị lên mức cao 24.798,51 tỉ đồng, tăng 4,89% về khối lượng và 2,95% về giá trị so với phiên 27.5. Các mã chứng khoán tăng chiếm hơn 2/3 loại niêm yết trên thị trường đã giúp chỉ số VN-Index tăng 16,89 điểm, tương ứng 1,3%, lên 1.320,46 điểm. Thanh khoản trên sàn HNX ghi nhận ở mức cao, trên 4.000 tỉ đồng.
Trước đó ngày 21.5, toàn thị trường cũng lập kỷ lục về giá trị giao dịch với hơn 28.100 tỉ đồng khi có hơn 957 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được trao tay. Công ty cổ phần chứng khoán SSI thống kê giá trị giao dịch bình quân 4 tháng đầu năm 2021 trên thị trường chứng khoán cao gần gấp 3 lần mức bình quân trong năm 2020. Nhờ giao dịch sôi động trở lại ở nhóm vốn hóa lớn, giá trị giao dịch trên toàn thị trường tháng 4 tăng 15,6% so với tháng trước, đạt bình quân 22.450 tỉ đồng/phiên. Giao dịch sôi động hơn qua kênh khớp lệnh khi giá trị qua kênh này tăng đến 18,7% đạt 20.544 tỉ đồng/phiên.
Với doanh số giao dịch hơn 22.000 tỉ đồng/ngày như hiện nay, lấy mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân 0,1%, tương ứng mỗi ngày số thu vào ngân sách tương ứng 22 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngoài các cá nhân, trên thị trường còn có các tổ chức giao dịch như doanh nghiệp, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư…, mà theo ông Trần Xoa – Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, các doanh nghiệp mua bán chứng khoán thực hiện đóng thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 20% trên phần lãi. Do đó để có thể biết được số thu thuế từ hoạt động chứng khoán đóng góp bao nhiêu vào ngân sách nhà nước, cần có thống kê cả phía doanh nghiệp.
Nguồn thu thuế tiềm năng
Theo Trung tâm lưu ký
chứng khoán Việt Nam (VSD), trong 4 tháng đầu năm lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư tăng hơn 90% so với cả năm 2020, đạt gần 370.000 tài khoản, riêng trong tháng 4 số tài khoản cá nhân và tổ chức mở mới lần lượt đạt 110.510 tài khoản và 145 tài khoản. Như vậy số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân là 3,12 triệu tài khoản, tài khoản tổ chức là 15.800 tài khoản. Tổng số tài khoản trên thị trường cuối tháng 4 tăng hơn 13%, đạt 3,14 triệu tài khoản.
So với dân số gần 100 triệu người hiện nay thì số lượng tài khoản nhà đầu tư hiện vẫn còn ở mức thấp nhưng sự hấp dẫn của chứng khoán thì ngày càng tăng.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số dư tiền gửi thanh toán cá nhân cuối quý 1 tại các ngân hàng thương mại tăng mạnh 264.855 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng 55,5%, lên 741.378 tỉ đồng.
|
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đông Á, cũng nhận định tiềm năng thu thuế từ chứng khoán sẽ gia tăng. Trước những diễn biến phức tạp của dịch
Covid-19, dòng tiền đầu tư trên thị trường không chạy được vào chỗ này thì cũng chạy qua chỗ khác. Hiện nay, mặt bằng lãi suất tiết kiệm thấp, vàng biến động không lớn, doanh nghiệp lo ngại mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời điểm dịch
Covid-19 mà vẫn phải đảm bảo hiệu quả hoạt động để trả cổ tức cho cổ đông… Thế nên, tất cả dòng tiền này đang cần một điểm đến và thị trường chứng khoán là nơi nhà đầu tư lựa chọn đầu tư gần đây. Đó là lý do, bất chấp đợt dịch Covid-19 bùng phát vẫn không ngăn được dòng tiền dịch chuyển vào thị trường này. Ngoài ra, các nhà đầu tư tin rằng thị trường chứng khoán sẽ còn tiếp tục gia tăng khi tốc độ tăng giá của chỉ số chứng khoán Việt Nam so với các nước hiện nay vẫn chưa ngang bằng. Nghĩa là dư địa tăng trưởng còn khá lớn trong thời gian tới.
Điều duy nhất hiện nay khắc chế thị trường đó là dòng vốn đầu tư nước ngoài bán mạnh khi tốc độ tăng giá của thị trường chứng khoán các nước khác tăng mạnh hơn. Ông Huỳnh Anh Tuấn kỳ vọng khi các thị trường này đạt đỉnh, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay lại
thị trường chứng khoán Việt Nam và đây là cú hích cho chứng khoán tăng giá. Khi thị trường chứng khoán trở nên sôi động, các
doanh nghiệp phát hành cổ phiếu huy động vốn tăng khá lớn và với tốc độ này thì khả năng 10 năm tới, thị trường chứng khoán Việt Nam huy động vốn bằng với hệ thống ngân hàng. Đồng nghĩa giá trị giao dịch chứng khoán sẽ còn tiếp tục gia tăng, có thể vượt qua con số 30.000 tỉ đồng/ngày, lúc này số thu thuế từ hoạt động chứng khoán sẽ còn tiếp tục tăng cao.