Thị trường chứng khoán mở cửa phiên đầu tuần trong trạng thái đi lên, sau đó giảm dần và bán tháo quyết liệt càng về cuối khi tâm lý bi quan dâng cao. Các thị trường châu Á cũng diễn biến đồng pha với chứng khoán Việt Nam vì lo ngại làn sóng dịch bệnh thứ hai trở lại.
VN-Index mất hơn 31 điểm, tương đương 3,6% và chốt phiên tại 832,47 điểm. Bên cầm cổ phiếu chiếm ưu thế hoàn toàn với 291 mã giảm, gấp hơn ba lần số mã tăng. Đây là phiên có khối lượng giao dịch cao nhất trong lịch sử gần 20 năm của sàn chứng khoán TP HCM và có giá trị thanh khoản xếp thứ hai. Tuy nhiên, nếu loại trừ giao dịch thoả thuận cổ phiếu Vinhomes (VHM) hơn 15.000 tỷ đồng, thanh khoản thị trường lại giảm nhẹ so với phiên trước.
Phiên giảm thứ ba liên tiếp đã xoá sạch thành quả tích luỹ 18 phiên trước. Biên độ dao động nới rộng và độ rộng thị trường tiêu cực cho thấy tâm lý lo sợ đang là chủ đạo trong các hoạt động giao dịch. Trong phiên hôm nay (16/6), lượng hàng T+3 về tài khoản từ phiên có thanh khoản hơn 700 triệu cổ phiếu càng khiến thị trường chịu áp lực bán mạnh hơn.
Phần đông công ty chứng khoán nhận định việc sụt giảm nhanh chóng nhiều khả năng sẽ khiến thị trường tiến vào nhịp vận động tại vùng 800-845 điểm trong ngắn hạn. Thậm chí với kịch bản xấu hơn, chỉ số được dự báo lui về vùng hỗ trợ 780 điểm.
“Điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp”, nhóm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán MB khuyến nghị.
Ở chiều ngược lại, chuyên gia của Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá điểm tích cực trong lúc này là áp lực bán có chiều hướng giảm dần và nhiều cổ phiếu rơi vào trạng thái quá bán ngắn hạn cho thấy nhịp hồi phục kỹ thuật có thể sẽ xuất hiện ở những phiên giao dịch tới. 820-825 điểm sẽ là vùng hỗ trợ ngắn hạn.
Với các nhà đầu tư giàu tiền mặt, việc chỉ số xuống gần mốc này cũng có thể là cơ hội lý tưởng để giải ngân trở lại với tỷ trọng thấp và thận trọng.