Để dự thi Olympic Toán quốc tế, Ngô Quý Đăng phải học chương trình Toán THPT chỉ trong vài tháng, nhiều hôm thức đến 3h sáng để bù đắp kiến thức.
Một ngày sau khi trở thành học sinh lớp 10 đầu tiên của Việt Nam giành giải vàng Olympic Toán quốc tế, Ngô Quý Đăng vui vẻ tham dự hội thảo do trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên, tổ chức. Em được ưu ái ngồi hàng đầu tiên, chia sẻ cảm xúc được giải và kinh nghiệm học tập.
“Khi lên trang web của cuộc thi, thấy tên mình đoạt giải cao nhất, em vỡ òa hạnh phúc. Việc này em chưa từng nghĩ đến, giống như một giấc mơ với kết thúc có hậu”, Đăng chia sẻ.
Với sự dìu dắt của ông ngoại, thầy giáo dạy Toán, cậu bé Đăng sớm tiếp cận với môn Toán. Vì thích các con số, Đăng rất bực nếu nhìn thấy số giây đèn tín hiệu giao thông mới đếm ngược đến 5 hoặc 3 đã chuyển màu khác. “Lúc đó em nghĩ các số không tuân theo quy luật tự nhiên nên thấy không thoải mái”, em giải thích. Khi đã thông thạo mặt số, em bắt đầu học tính. 2 tuổi mới biết nói, nhưng Đăng đã biết làm Toán khi lên 4, số càng to càng thích.
Lên cấp hai học ở trường Archimedes, khả năng tự học dần hình thành, Đăng thường xin thầy cô giao thêm bài tập Toán về nhà làm. “Vì yêu thích Toán, em học không thấy mệt”, Đăng giải thích và cho biết lúc đó lần đầu biết đến kỳ thi Olympic Toán học quốc tế, em nhen nhóm hy vọng một ngày nào đó đứng trong đội tuyển quốc gia, được thử sức với những bài toán khó nhất.
Đăng tự nhận tiếp thu tốt nhưng trình bày xấu, chữ không đẹp. Trong kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp quận năm lớp 9, em làm hết nhưng chỉ được 19/20 điểm, mất một điểm trình bày. Nghe lời khuyên của thầy dạy đại số, Đăng viết cách dòng để bài làm thoáng hơn. Đến kỳ thi cấp thành phố, nam sinh giành 19,75/20, đạt giải nhất. “Em đã tự vượt qua và khắc phục được điểm yếu của chính mình. Tuy không phải quá to tát, lời khuyên của thầy đến giờ vẫn rất có ý nghĩa với em, giúp em tạo nền móng cho các thành tích sau này”, Đăng nói.
Giải nhất học sinh giỏi môn Toán cấp thành phố giúp Đăng giành một suất tuyển thẳng vào lớp chuyên Toán hoặc Tin của trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học tự nhiên. Sau khi tìm hiểu, thấy số học sinh nộp tuyển thẳng vào lớp Toán tương đối nhiều, sợ mình hết cơ hội học trường yêu thích, em nộp vào lớp Tin để chắc chắn trúng tuyển. Sau đó, em đăng dự thi vào lớp chuyên Toán như các bạn, vượt qua hai bài thi chung và chuyên với điểm số cùng 8,5, trở thành học sinh lớp chuyên Toán như mong ước.
Khi trở thành một trong sáu học sinh của đội tuyển Olympic Toán quốc tế năm nay, Đăng cho rằng đó là vinh dự, may mắn lớn đối với một học sinh lớp 10. Tuy nhiên, việc này cũng gây cho em trở ngại khi phải học kiến thức của cả bậc THPT chỉ trong vài tháng. Ngoài dành thời gian trên lớp để hỏi thầy và các anh chị, em sẽ xem lại những bài không làm được khi về nhà, “biết đâu sẽ tìm ra cách giải mới”. Tự nhận mình yếu Toán hình, em cũng tự học phần này nhiều hơn.
Dù có phần thiệt thòi về độ tuổi, Đăng chưa bao giờ muốn bỏ cuộc. Em quan niệm cần giữ tinh thần lạc quan bởi khi thoải mái mới có thể thành công. Trước kỳ thi khoảng một tháng, Đăng và các thành viên đội tuyển bước vào giai đoạn nước rút. Khối lượng kiến thức phải tiếp nhận nhiều hơn đồng nghĩa với việc số bài em không hiểu cũng tăng lên. Ngoài 9 tiếng học ở trường, Đăng tự phá quy tắc ngủ trước 12h đêm của bản thân, dành thêm thời gian ôn tập, có hôm đến gần 3h sáng. Em không chỉ luyện đề, chữa bài mà còn phân tích những phần nào mình yếu, bị hổng kiến thức để nhờ thầy và anh chị trong đội giảng lại cho.
Đăng có quyển số tay, ghi lại những bài toán hay hoặc không giải được. Những lúc rảnh hoặc tự học buổi tối, em sẽ đọc lại để lần sau nếu gặp sẽ làm tốt hơn.
Kỳ thi Olympic Toán diễn ra trong hai ngày, mỗi ngày Đăng phải thi 3 bài trong 4,5 tiếng. Ngày đầu tiên diễn ra suôn sẻ, em làm được trọn vẹn ba bài, trong đó có bài Toán hình vốn là phần sợ nhất. Đến giờ, Đăng vẫn đùa nếu bài hình khó hơn, chưa chắc em đã làm được.
Trong ngày thi thứ hai, Đăng gặp khó khăn khi bài cuối yêu cầu phức tạp, kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực. Mất hơn một tiếng nhưng không giải được, Đăng quay lại kiểm tra thật kỹ hai bài đã làm để chắc chắn không mất thêm điểm. Với chiến thuật hợp lý, em giành điểm trọn vẹn 5 bài đầu, được 1/7 điểm bài cuối, giành huy chương vàng và xếp thứ 4 trong 616 thí sinh tham gia.
Khi nhận được nhiều lời khen ngợi, cậu học trò 17 tuổi chỉ cười, gãi đầu nói “em còn phải cố nhiều hơn”. Đăng hiểu việc đạt thành tích cao từ sớm sẽ khiến áp lực phải đối mặt trong kỳ thi năm sau sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, nam sinh khẳng định “lúc đó em cũng thêm một tuổi, bản lĩnh hơn và tự tin sẽ vượt qua được”.
Thầy Lê Công Lợi, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, bày tỏ tự hào về thành tích của học trò. Thầy đánh giá, từ khi còn là học sinh THCS, Đăng đã là tài năng Toán học và tiếp tục giữ vững phong độ khi vào THPT. Ngoài tham gia các buổi học chính khóa với các bạn cùng lớp, em không bỏ lỡ bất kỳ buổi học bồi dưỡng nào. “Với năng lực đặc biệt, niềm đam mê và chinh phục đỉnh cao Toán học, Đăng đã nhanh chóng bắt kịp với các anh chị lớp 11, 12. Ngoài tố chất học Toán, em cũng học tốt các môn khác và còn là MC rất chuyên nghiệp với lỗi dẫn dắt thông minh, dí dỏm”, thầy Lợi chia sẻ.
Cho rằng mình còn nhiều thời gian để tích lũy và hoàn thiện bản thân, thời gian tới, Đăng sẽ tự học thêm về toán cao cấp, tin học. Em quan niệm kiến thức này sẽ giúp ích trực tiếp trong các kỳ thi quốc tế và có thêm kỹ năng để tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học. “Hiện thực hóa giấc mơ giành huy chương vàng trong kỳ thi Olympic Toán, em đã tự tin hơn một chút và mong có thể tiếp tục thực hiện những mục tiêu xa hơn”, Đăng mỉm cười nói.
Do ảnh hưởng của Covid-19, Olympic Toán học quốc tế lần thứ 61 năm 2020 do Nga đăng cai được tổ chức theo hình thức thi trực tuyến. Kỳ thi có 616 thí sinh đến từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Kết quả, có 316 em đoạt huy chương, trong đó có 49 vàng, 112 bạc và 155 đồng.
Đội tuyển Việt Nam dự thi tại Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội trong hai ngày 21 và 22/9 với sự giám sát từ nhân viên Đại sứ quán Nga và hệ thống camera.
Ngoài Ngô Quý Đăng, Việt Nam còn có Trương Tuấn Nghĩa, học sinh lớp 11 trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, giành huy chương vàng. Em Nguyễn Mạc Nam Trung, lớp 12 trường THPT Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM, giành huy chương bạc. Em Chu Thị Thanh, lớp 12 trường THPT chuyên Vĩnh Phúc và Trần Nhật Minh, lớp 12 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) giành huy chương đồng. Em Đinh Vũ Tùng Lâm, lớp 11 trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, được ban tổ chức tặng bằng khen.
Thanh Hằng