Nghề nào cũng có mặt trái của nó, những người thợ kì ghét cũng phải đối mặt với không ít rủi ro, có thể kể đến như việc khách hàng phàn nàn, quỵt tiền hoặc thậm chí là kiệt sức.
ảnh minh họa
Những công việc kỳ quặc, nghe qua đã thấy phi lý trên thế giới vốn không hề thiếu và Hàn Quốc là một trong những quốc gia sở hữu nhiều công việc lạ lẫm bậc nhất, có thể kể đến như đánh thức người khác dậy vào buổi sáng, cho cá mập ăn hoặc hóa trang thành các nhân vật ở làng Dân tộc.
Tuy nhiên, những công việc này vẫn chưa đủ độ “dị” để có thể nằm trong hàng ngũ công việc 3D – “difficult” (khó), “dirty” (dơ), “dangerous” (nguy hiểm). Song, nhân tiện đề cập đến công việc 3D, một “ứng cử viên” sáng giá cho vị trí này tại Hàn Quốc đó chính là việc… kì ghét trong phòng tắm hơi.
Nghe qua có phần không được sạch sẽ và thơm tho cho lắm, tuy nhiên mức lương khởi điểm quá đỗi thu hút, lên đến con số 3 triệu KRW (~58 triệu đồng) – không phải con số nhỏ so với mặt bằng chung thu nhập ở xứ sở kim chi, đã khiến không ít người gạt bỏ sự ngần ngại để làm công việc này.
Vậy để chinh phục công việc “siêu khủng” như vậy và nhận được mức lương khá hậu hỉnh như thế, người lao động cần phải làm gì?
Kì thì kì có gì phải ngại!
Những nhà tắm và phòng xông hơi công cộng thường khá phổ biến ở Hàn Quốc. Điều này đã góp phần hình thành nên một công việc mang tên “thợ kì ghét”.
Đi cùng với đà phát triển mạnh mẽ của nhân loại là sự lên ngôi của nhân quyền khiến cho cấp bậc và vai vế của con người trong xã hội ngày càng được nhân cao, “thợ kì ghét” được đặt cho một cách tên sang chảnh và đẳng cấp hơn – “chuyên gia quản lý việc tắm rửa”.
truy ngược về quá khứ, “chuyên gia quản lý việc tắm rửa” đã có lịch sự hình thành và phát triển lâu đời, được manh nha vào năm 1960 khi những chiếc khăn tắm Ý – chiếc khăn có công dụng tẩy tế bào chết, matxa được phát minh tại Busan bởi Kim Pil Gon – bắt đầu du nhập vào Hàn Quốc và trở thành công cụ quen thuộc trong những nhà tắm và phòng xông hơi.
Kinh tế ngày một phát triển cộng với nhu cầu sử dụng nhà tắm công cộng ngày một tăng cao khiến người Hàn bắt đầu có một sự quan tâm nhất định đến vai trò của những “chuyên gian quản lý việc tắm rửa”.
Có cầu thì sẽ có cung, thực trạng này khiến các trung tâm dạy “kì ghét” mọc lên như nấm. Tại đây, các học viên sẽ được đào tạo các kỹ năng “kì ghét” sao cho phù hợp với từng loại da, cách matxa hay các động tác giúp tẩy sạch các lớp tế bào chết.
Một “chuyên gia quản lý việc tắm rửa” chia sẻ, bài học cơ bản nhất của học viên là phân biệt các vùng da để căn chỉnh độ mạnh nhẹ phù hợp cũng như đáp ứng đúng thị hiếu của từng đối tượng khách hàng, tránh tình trạng làm họ cảm thấy khó chịu.
Đơn cử, khách đến từ tỉnh Gyeongsang chuộng những loại khăn dày để tẩy sạch bụi bẩn trên cơ thể trong khi đó, khách đến từ Seoul lại thích những loại khăn ngắn. Ngoài ra, khách nam thích được kì bằng khăn ngắn còn khách nữ lại yêu cầu người thợ sử dụng găng tay khi làm việc.
Thường sau đào tạo, các học viên không được cấp bằng nhưng thay vào đó, họ được giới thiệu trực tiếp cho các nhà tắm công cộng với chứng nhận lành nghề từ phía trung tâm.
Mức lương “ổn áp”, khởi điểm đã rơi vào khoảng 58 triệu đồng/tháng
Không chỉ thu hút người lao động bởi cái tên nghe có phần “sang chảnh”, “chuyên gia quản lý việc tắm rửa” là công việc hấp dẫn bởi mức lương hậu hĩnh.
Những người thợ trong nghề chia sẻ, một tháng họ sẽ thu về ít nhất 3 triệu KRW (~58 triệu đồng). Những mùa cao điểm, mức thu nhập này còn cao hơn gấp nhiều lần, giao động từ 6 – 7 triệu KRW (116 – 135 triệu đồng).
Nghề nào cũng vậy, thu nhập sẽ tỷ lệ thuận với kỹ năng và kinh nghiệm. Một người thợ có thâm niên 35 năm trong lĩnh vực này cho biết: “Thu nhập trong một tháng của tôi có thể lên đến 10 triệu KRW (193 triệu đồng). Do vậy, tôi chẳng việc gì phải ganh tị với những con người hàng ngày làm việc cho những tập đoàn lớn”.
Tuy nhiên, những “chuyên gia quản lý việc tắm rửa” cũng phải trả cho chủ nhà tắm từ 10.000 đến 20.000 KRW (193.000 – 287.000 đồng) phí làm việc bao gồm tiền điện, nước và giữ chỗ.
Nghề nào cũng có mặt trái của nó, những người thợ kì ghét cũng phải đối mặt với không ít rủi ro, có thể kể đến như việc khách hàng phàn nàn, quỵt tiền hoặc quấy rối.