HomeGiáo dụcCây xanh ngã đè chết học sinh: Nhiều hiểm nguy rình rập...

Cây xanh ngã đè chết học sinh: Nhiều hiểm nguy rình rập học sinh trong trường học | Giáo dục

Trước thông tin một học sinh (HS) lớp 6 ở Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) bị cây phượng bật gốc đè trúng gây tử vong, nhiều phụ huynh, HS không khỏi lo lắng hoang mang về an toàn ở trường học.

Vô số nguy cơ tai nạn từ trường học

Chia sẻ về những nguy cơ HS có thể gặp phải trong trường học, ông Nguyễn Duy Tuyển, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5), cho biết dù cây xanh trong trường không nhiều, nhưng phần lớn là cây me thuộc dạng “cổ thụ” vì đã được trồng từ rất lâu. Để đảm bảo an toàn, hằng năm trường đều thuê dịch vụ mé nhánh, cắt bớt những cành lớn. Còn việc kiểm tra rễ hay phần thân bên trong thì nhờ bộ phận kỹ thuật của các công ty dịch vụ cây xanh làm.
Ông Tuyển nói thêm: “Ở lứa tuổi HS, các em còn rất ham chơi, hiếu động, nhiều em còn ngồi lên cầu thang để trượt xuống. Các sân tập, sân đá bóng, cầu lông… cũng đều có cột trụ như cột trụ bóng rổ, cột đèn… nếu không làm chắc chắn đều có thể đổ xuống trúng HS. Trong phòng học, các em cũng có thể gặp nhiều nguy cơ khác như: quạt trần rơi, cửa kính bị vỡ, bị gió đập văng vào người, chập cháy ổ điện, cầu dao, nổ bóng đèn. Ở lứa tuổi nhỏ hơn các trường còn thường trang bị tủ đựng đồ trong phòng học và đã có nhiều trường hợp tủ đổ xuống đè lên HS”.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cũng thống kê hàng loạt những hiểm nguy có thể đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của HS nếu không có sự theo dõi, giám sát thường xuyên, liên tục. Ngoài nhánh cây gãy còn mái tôn bay, chập điện, cống nghẹt ứ nước sinh muỗi gây bệnh, chuột, thùng rác gây ô nhiễm môi trường, kệ cục nóng máy lạnh lâu ngày gỉ sét, trần nhà, bình PCCC…

Đảm bảo an toàn cho học sinh

Để hạn chế những nguy cơ, theo ông Nguyễn Duy Tuyển các trường phải thường xuyên kiểm tra cơ sở vật chất, thiết bị, cây xanh trong trường học, đồng thời liên tục nhắc nhở HS giữ an toàn cho bản thân.

Các phòng học không nên để tủ quá cao, quạt treo tường hay quạt trần khi quay nhiều thường sẽ mòn ốc, quạt dễ bị rơi ra nên trường cũng phải thường xuyên kiểm tra. Về đường dây điện, thường những trường cũ, đã xây dựng lâu dễ bị quá tải đường điện cũng dễ gây cháy nổ. Trường nào sử dụng cửa kính thì nên chọn loại kính cường lực, cột cửa cẩn thận khi có mưa gió.

Còn ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Mê Linh (Q.3, TP.HCM), thì cho rằng khi trồng cây hầu hết các trường đều nhờ các công ty cây xanh tư vấn, nhưng bản thân những người quản lý trường cũng phải có những hiểu biết cơ bản về cây xanh để lựa chọn và quản lý cây phù hợp cũng như phòng ngừa những tai nạn có thể xảy ra.

Ngoài ra, ông Hùng cho rằng khi thiết kế phòng học các trường cũng phải làm cho góc cạnh ở bàn ghế cong, tròn tránh trường hợp HS nô đùa, té đập đầu vào sẽ nguy hiểm. Khi trời mưa, sân trường rất dễ trơn trượt, nên phải dặn HS hạn chế chạy nhảy, đùa giỡn khi sân ướt.

Tủ đựng đồ nên thiết kế theo chiều rộng, hạn chế chiều cao. Tủ nên lắp đặt vào sát góc tường và bắt buộc phải nẹp đinh ốc kiên cố vào tường. “Người phụ trách cơ sở vật chất của trường phải có hiểu biết về những thiết bị lắp đặt, xây dựng trong trường và phải thường xuyên kiểm tra, nếu có lỗi hay nguy cơ xảy ra tai nạn thì phải cho sửa chữa, thay đổi ngay”, ông Hùng nói.

Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), cho rằng các trường cần tập huấn, hướng dẫn HS kỹ năng tự vệ, khả năng quan sát… để phát hiện dấu hiệu bất thường báo ngay với các thầy cô.

Nhằm tăng cường an toàn cho HS trong trường học, đặc biệt sau vụ cây phượng ngã khiến một HS Trường THCS Bạch Đằng (Q.3) tử vong, trong ngày hôm qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã gửi công văn khẩn đến các trường học yêu cầu tăng cường công tác an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích. Trong đó chỉ rõ những nội dung cần thực hiện như kiểm tra, cắt tỉa cành, chăm sóc cây xanh, xử lý hệ thống thoát nước, chống dột trong khuôn viên, kiểm tra hệ thống điện, quản lý dụng cụ giảng dạy bộ môn an ninh quốc phòng, phòng thí nghiệm, thực hành…


TP.HCM tổng rà soát cây xanh

Sau sự cố cây phượng bật gốc đè chết một học sinh ở Trường THCS Bạch Đằng (P.14, Q.3), ngày 27.5, Sở Xây dựng TP.HCM có văn bản đề nghị UBND 24 quận, huyện trên địa bàn rà soát, kiểm tra tình trạng sinh trưởng, phát triển của toàn bộ cây xanh đang được phân cấp quản lý, kể cả cây xanh nằm trong cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện.

Sở Xây dựng cũng đề nghị kiểm tra về quy trình chăm sóc, duy tu định kỳ cây xanh cũng như lý lịch cây, lịch sử trồng, năng lực đơn vị duy tu… Nếu cần hỗ trợ kỹ thuật, các địa phương liên hệ Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật hoặc Công ty TNHH MTV công viên cây xanh TP.HCM.

Sỹ Đông




Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img