HomeThương trườngCanh bạc 2.000 tỷ USD để kích thích kinh tế Trung Quốc

Canh bạc 2.000 tỷ USD để kích thích kinh tế Trung Quốc

Bắc Kinh đang đặt hy vọng lớn vào sáng kiến cơ sở hạ tầng mới, đầu tư vào 5G, AI, Internet vạn vật để thúc đẩy kinh tế hậu Covid-19.

Khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trình bày báo cáo trước Quốc hội trong kỳ họp thường niên hồi tháng 5, sáng kiến cơ sở hạ tầng mới được đề cao trong chương trình nghị sự. Sáng kiến này được kỳ vọng tạo ra hơn 2.000 tỷ USD đầu tư trong 5 năm tới. Hồi đầu năm, cụm từ này cũng đã được Huawei Technologies và Baidu đề cập khi nói đến triển vọng kinh doanh.

Dù vậy, sáng kiến này không hoàn toàn mới. Nó đã được công bố vào tháng 12/2018 khi Bắc Kinh thiết lập “sự phát triển cơ sở hạ tầng mới như trí tuệ nhân tạo, Internet công nghiệp và Internet vạn vật” làm ưu tiên của chính phủ cho năm 2019.

Gần đây, sáng kiến này một lần nữa được nhấn mạnh. Tháng 3/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Bắc Kinh sẽ tăng tốc đầu tư vào các chương trình cơ sở hạ tầng mới. Điều này cho thấy chính phủ đang muốn ưu tiên sáng kiến này trong thời kỳ hậu Covid-19.

Không như các dự án cơ sở hạ tầng thông thường (xây dựng đường và cảng), sáng kiến cơ sở hạ tầng mới tập trung vào công nghệ cao. Ba lĩnh vực chính được nhấn mạnh là: xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thế hệ tiếp theo như 5G; nâng cấp và “làm thông minh” cơ sở hạ tầng hiện có; và thiết lập các vườn ươm thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản phẩm.

Nhân viên nhà mạng China Mobile lắp đặt hạ tầng 5G. Ảnh: Reuters

Nhân viên nhà mạng China Mobile lắp đặt hạ tầng 5G. Ảnh: Reuters

Kế hoạch này khác gì so với Made in China 2025?

Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh bày tỏ mong muốn thúc đẩy công nghệ tiên tiến. ” Made in China 2025″ – chính sách quốc gia được cho là đã làm dấy lên căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, cũng ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao từ 5G, robot cho đến hàng không vũ trụ.

Tuy nhiên, mục đích chính của Made in China 2025 lại là giảm phụ thuộc vào các linh kiện nhập khẩu và tăng cường bí quyết sản xuất công nghệ cao. Bằng cách yêu cầu các nhà máy ở Trung Quốc mua ít nhất 70% linh kiện cốt lõi từ các nhà cung cấp địa phương vào năm 2025, Bắc Kinh tạo ra nhu cầu về chip, cảm biến và nhiều sản phẩm công nghệ khác sản xuất tại Trung Quốc.

Trong khi đó, sáng kiến cơ sở hạ tầng mới tập trung vào việc triển khai các sản phẩm công nghệ cao, không quan tâm công nghệ đó đến từ đâu. Trên thực tế, để thu hút nhiều bên tham gia, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cho biết sẽ xem xét mở cửa một số lĩnh vực do nhà nước kiểm soát cho các công ty tư nhân.

Tại sao sáng kiến được nhấn mạnh lúc này? 

Kinh tế Trung Quốc vốn đã phải chịu tác động từ cuộc chiến thương mại với Mỹ thì giờ lại bị ảnh hưởng từ Covid-19. Quý I/2020, GDP Trung Quốc giảm 6,8% – lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ năm 1992. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng 4 dự báo GDP Trung Quốc sẽ chỉ tăng 1,2% năm nay, giảm mạnh so với mức 6% dự báo trước đó.

“Ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là ‘ổn định kinh tế và tăng trưởng’ sau các tác động kinh tế và xã hội của Covid-19. Trong những thời điểm như vậy, các dự án cơ sở hạ tầng là cách nhanh nhất để thu hút đầu tư trong nước và tạo việc làm”, Kelly Hsieh – nhà phân tích tại TrendForce giải thích.

Một báo cáo được phát hành vào tháng 3/2020 bởi CCID Group ước tính rằng việc triển khai mạng 5G, trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng công nghệ cao khác sẽ mang lại khoản đầu tư ít nhất 17.000 tỷ nhân dân tệ từ nay đến năm 2025.

Dù vậy, người ta vẫn chưa rõ nguồn lực tài chính cho kế hoạch đầy tham vọng này đến từ đâu. “Chúng tôi vẫn đang chờ chi tiết về cách triển khai nguồn lực tài chính”, Aidan Yao – chuyên gia kinh tế AXA Investment Managers cho biết.

Trung Quốc không có bất kỳ vấn đề đáng kể nào về nợ ở cấp chính phủ. Do đó, việc thâm hụt ngân sách hàng năm chạm 3,6% GDP có lẽ sẽ không phải là vấn đề nghiêm trọng, như Thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày tháng trước. 

Dù vậy, vấn đề có thể nằm ở chính quyền địa phương. Ông Lý đã hứa rằng chính phủ sẽ phân bổ 2.000 tỷ nhân dân tệ (279 tỷ USD) cho chính quyền địa phương. Số này đến từ tăng thâm hụt tài khóa và phát hành trái phiếu đặc biệt.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ số tiền này sẽ được sử dụng như thế nào. Alicia Garcia Herrero, Nhà kinh tế trưởng Châu Á Thái Bình Dương tại Natixis, bày tỏ dè dặt về cam kết này. “Không có gì gọi là bữa trưa miễn phí cả”, bà nói. 

Ngoài việc ngân sách được phân bổ lớn hơn, các chính quyền địa phương đang tăng cường gây quỹ thông qua các công cụ huy động tài chính địa phương (LGFV). Tuy nhiên, nguồn tiền này chính là cốt lõi của vấn đề nợ tại Trung Quốc, do thiếu giám sát, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

“Hoạt động này đang tăng tốc vì nó đóng vai trò lớn trong việc giúp tạo ra động lực kinh tế khi Trung Quốc bắt đầu bình thường hóa sau Covid-19”, Gloria Lu – nhà phân tích tín dụng tại S&P Global Ratings cho biết, “LGFV đang quay trở lại thị trường trái phiếu trong nước với các đợt huy động vốn cao kỷ lục”. Ông cho biết năng lực của từng LGFV có thể rất khác nhau. Do vậy, một số chính quyền địa phương nhỏ sẽ phải đối mặt với tình hình tài khóa xấu đi.

Một vấn đề tiềm ẩn khác là với chính sáng kiến cơ sở hạ tầng mới. “Một số người đang cố gắng sử dụng cơ hội này để tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Trung Quốc. Dù được hoan nghênh, chiến lược này có thể không giúp tạo ra lượng việc làm cần thiết để ổn định thị trường lao động và thu nhập”, Herrero nói. 

Do đó, các lãnh đạo Trung Quốc cũng có thể sẽ từ bỏ tham vọng này và sử dụng các công cụ kích thích truyền thống với khả năng tạo ra nhiều việc làm hơn, như cơ sở hạ tầng và bất động sản.” Điều này, một lần nữa, có thể tạo ra các cơ sở hạ tầng không cần thiết, kéo dài sự tồn tại của các công ty “zombie” (gần phá sản vẫn được cứu trợ để duy trì hoạt động) và chồng chất thêm nợ xấu”, bà Herrero phân tích.

Phiên An (theo Nikkei Asian Review)

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img