HomeGiáo dụcCần thiết có chuẩn đầu ra quốc gia cho các trường |...

Cần thiết có chuẩn đầu ra quốc gia cho các trường | Giáo dục

Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng hiện đang có độ vênh nhất định giữa chuẩn đầu ra các trường ĐH Việt Nam với thế giới.

Chỉ nói riêng chuẩn đầu ra ngoại ngữ, để có thể nộp hồ sơ du học nước ngoài, ứng viên cần đạt 6 – 6.5 IELTS, trong khi đó ở trong nước các trường đang áp dụng nhiều mức chuẩn khác nhau. Như Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, chuẩn đầu ra với sinh viên chất lượng cao là 5.5 IELTS nhưng sinh viên đại trà hiện ở mức 450 TOEIC 4 kỹ năng.

Do vậy, việc chuẩn đầu ra chung quốc gia mà chuẩn này tiệm cận với khu vực và thế giới sẽ rất cần thiết. Từ đó nâng dần chuẩn chất lượng đào tạo ĐH ở Việt Nam. “Đây là điều mong muốn của nhiều người khi mà chúng ta còn khoảng cách khá xa với nhiều trường ĐH trong khu vực”, ông Minh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, ủng hộ việc có chung chuẩn đầu ra chung cho từng khối ngành.

Theo tiến sĩ Hạ, khi có chuẩn chung, các trường căn cứ vào đó thực hiện đảm bảo trình độ chung quốc gia. Khi khung này được xây dựng theo xu hướng thế giới, chuẩn trình độ của người học sẽ được thế giới công nhận.

Điều này rất có lợi cho người học khi sinh viên sau khi tốt nghiệp trong nước, ra nước ngoài làm việc, học tập sẽ không phải học lại ĐH. Tuy nhiên, việc triển khai chuẩn đầu ra này vào chương trình đào tạo từng trường như thế nào mới quan trọng.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours, đưa chuẩn đầu ra cho các lĩnh vực ngành nghề để việc đào tạo tại các trường ĐH không lạc hậu là điều cần thiết.

Tuy nhiên, việc đặt chuẩn đầu ra phải tiến dần từ việc đáp ứng làm sao sinh viên học được như thực tế trong nước trước đã. Với đào tạo ngành du lịch, hiện nay một số trường có mời chuyên gia để tham gia đào tạo nhưng chưa nhiều, cần dạy thực tế nhiều hơn nữa. Sau đó, tiến tới đáp ứng chuẩn của khu vực ASEAN. Làm sao để sinh viên ra trường có thể tham gia làm việc dễ dàng tại các nước trong khu vực.
“Tôi dẫn khách đi Siem Riep (Campuchia), có đi massage phục hồi sức khỏe. Một nhân viên tại đây chỉ xuất thân từ vùng quê nghèo cũng được đào tạo rằng phải học tiếng Anh giỏi để có thể tham gia làm việc tại các nước nếu có điều kiện. Cần có sự đào tạo chuyên nghiệp, hướng đến chuẩn khu vực từ những việc nhỏ nhất như vậy”, ông Mỹ cho biết.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết hiện nay các trường ĐH chỉ có chuẩn đầu ra chung, bắt buộc phải công bố. Tuy nhiên, chuẩn đầu ra này chỉ mang tính chất mỗi trường, không ngang bằng như nhau. Chuẩn đầu ra như vậy khó được công nhận, trừ khi áp dụng chuẩn của các trường nước ngoài.

Theo tiến sĩ Hải, việc đưa ra chuẩn đầu ra cho các khối ngành theo chuẩn của khu vực, thế giới là cần thiết. Chúng ta không tham gia công nhận văn bằng thì nâng chuẩn đầu ra là hướng đi đúng. Vì để doanh nghiệp nước ngoài chấp nhận thì sinh viên được đào tạo ra phải có chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu.

“Trước mắt, áp dụng chuẩn đầu ra theo khối ngành. Nhưng tương lai còn phải áp dụng chuẩn đầu ra cho từng ngành nữa. Hiện tại, các trường kiểm định của các tổ chức khu vực, quốc tế theo ngành là đã nâng chuẩn đầu ra cho từng ngành này”, tiến sĩ Hải cho biết.

Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM thông tin, việc xây dựng chuẩn đầu ra trước đây được thực hiện một phần dựa trên năng lực người học và nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, nếu làm đúng việc xây dựng phải đảm bảo nhiều yếu tố, trong đó có những dự báo tương lai về yêu cầu của thị trường lao động với người học. Từ đó, chương trình đào tạo được xây dựng và thực hiện xuyên suốt để đảm bảo đầu ra. Tuy nhiên, theo vị trưởng phòng đào tạo này, do chưa có chuẩn đầu ra quốc gia cho từng khối ngành đào tạo cụ thể, gần đây nhiều trường xây dựng chuẩn đầu ra tham khảo từ các trường ĐH tiên tiến thế giới nhưng lại chưa tương thích với thực tế tình hình trong nước.




Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img