Mặc dù đã chủ động thực hiện dựa vào một số văn bản hướng dẫn, “cởi trói” của Bộ GD-ĐT trong quá trình thực hiện chương trình hiện hành nhưng các trường đều bày tỏ mong muốn Bộ sẽ sửa thông tư hướng dẫn cách đánh giá học sinh (HS) trung học để đồng bộ với cấp tiểu học và đồng bộ với chương trình
giáo dục phổ thông mới.
Tại buổi tập huấn cho
giáo viên (GV) cốt cán ở cấp THCS về
chương trình giáo dục phổ thông mới ở Lâm Đồng cuối tháng 10 vừa qua do Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng tổ chức, không ít GV có cùng một băn khoăn: chương trình mới yêu cầu dạy học theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của HS và nếu cứ áp dụng cách kiểm tra, đánh giá HS như hiện nay thì chưa khớp với nhau.
Đáp lại, ông Phùng Việt Hải,
giảng viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, báo cáo viên của lớp tập huấn, cũng thừa nhận mặc dù kiểm tra, đánh giá là khâu cuối cùng của
quá trình dạy học nhưng với hiện trạng và tâm lý của HS, phụ huynh và các nhà trường lâu nay thì kiểm tra, đánh giá lại là yếu tố quyết định, đặc biệt là các kỳ thi cuối cấp, chuyển cấp.
PGS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc
dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GD-ĐT), chia sẻ băn khoăn này của GV và khẳng định việc tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ GV sẽ chia thành 9 nội dung với 9 đợt khác nhau. Thời gian đầu chỉ tập trung vào việc giới thiệu và cho GV nắm chắc được nội dung của chương trình giáo dục phổ thông mới, tiếp đó sẽ có các nội dung bồi dưỡng chuyên sâu về phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá…
Tuy nhiên, ông Thành cho rằng không đợi đến khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì mọi thứ mới đồng loạt thay đổi. Trong Công văn 4612 hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất HS, ban hành năm 2017, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu và khuyến khích việc thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả HS bằng các hình thức khác nhau.
Có rất nhiều con đường để có thể
chấm điểm HS mà không phải lúc nào GV cũng ôm một chồng bài kiểm tra trên giấy rồi chính GV cũng áp lực bởi chấm bài, chữa bài nặng về lý thuyết. “Địa phương nào, nhà trường nào tích cực “bám” vào văn bản hướng dẫn này để thay đổi thì tôi tin rằng khi thực hiện chương trình mới, nơi ấy sẽ thuận lợi và bắt nhịp dễ dàng hơn rất nhiều”, ông Thành nói.