Trao đổi với VietnamFinance, ông Vũ Văn viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết: “Hiện có 2 phương án đề xuất xây dựng cầu Đuống mới và nâng tĩnh không cầu cũ. Sau khi nghiên cứu xem xét, chúng tôi nghiêng về phương án 2 với chi phí khoảng 1.210 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn công tư (PPP)“.
ảnh minh họa
Xem Video: Hà Nội: Đề xuất xây dựng cầu Đuống mới
Ông Vũ Văn viện cho biết thêm, tại phương án 1, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất xây dựng cầu đường sắt mới tại vị trí cầu tương ứng với nghiên cứu của tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi).
Theo đó, cầu mới có tĩnh không bảo đảm thông thuyền, phù hợp với thiết kế của tuyến đường sắt trong tương lai. Cùng đó, sẽ xây dựng mới cầu đường bộ cách cầu hiện tại về phía hạ lưu khoảng 100m. Quy mô đầu tư khoảng 2.550 tỷ đồng.
Về phương án 2, cải tạo cầu Đuống hiện có để nâng tĩnh không bảo đảm khả năng thông thuyền (theo tiêu chuẩn cao 9,5m, rộng 50m). Đồng thời, xây dựng mới cầu đường bộ cách cầu hiện tại về phía hạ lưu khoảng 100m. Quy mô đầu tư khoảng 1.210 tỷ đồng.
Ông Vũ Văn viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội
Sau khi nghiên cứu, Sở GTVT cho rằng: đề xuất cải tạo cầu Đuống hiện có để có thể nâng/hạ nhịp thông thuyền, đảm bảo tĩnh không đường thủy, các nhịp khác giữ nguyên như hiện tại (phương án 2) là hợp lý.
“Tuy nhiên, trong trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ GTVT cần chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu các giải pháp thiết kế phù hợp đảm bảo khớp nối, có thể cải tạo nâng cấp các nhịp còn lại để thành cầu đường sắt tuyến số 1 trong tương lai, tránh lãng phí“, ông viện nói.
Cũng theo vị đứng đầu Sở GTVT Hà Nội, dự án đầu tư xây dựng cầu Đuống mới (cầu Đuống 2) và đường nối đầu cầu đến địa phận tỉnh Bắc Ninh thuộc danh mục công trình trọng điểm của TP Hà Nội, xác định đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP).
Trong cả 2 phương án mà Bộ GTVT đề xuất xem xét đều đề nghị UBND TP Hà Nội khẩn trương bố trí nguồn lực để thực hiện đồng thời dự án xây dựng cầu Đuống mới.