Cấm WeChat – thách thức lớn nhất Trump dành cho Cook

Lệnh cấm WeChat của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể buộc CEO Tim Cook phải “trổ tài” nhiều hơn nếu muốn tiếp tục kinh doanh tại Trung Quốc.

Hôm 7/8, Trump đã ký sắc lệnh không cho phép các công ty Mỹ được làm ăn với Tencent, chủ sở hữu WeChat.

Động thái này lập tức khiến không ít chuyên gia cho rằng doanh số iPhone – thiết bị chủ đạo của Apple – tại Trung Quốc có thể giảm mạnh thời gian tới nếu người dùng không thể tải WeChat từ kho ứng dụng App Store. Trong số đó, “chuyên gia tin đồn” Ming-chi Kuo cho rằng doanh thu toàn cầu có thể giảm 30%, do iPhone bị người dùng Trung Quốc quay lưng.

Tim Cook (bên trái) có thể sẽ gặp Donald Trump (bên phải) để bàn về vấn đề WeChat. Ảnh: AP.

Tim Cook (bên trái) có thể sẽ gặp Donald Trump (bên phải) để bàn về vấn đề WeChat. Ảnh: AP.

Tại Trung Quốc, WeChat là tất cả

Xuất phát điểm là phần mềm nhắn tin OTT, nhưng WeChat hiện nay được mệnh danh là một “siêu ứng dụng” tại Trung Quốc nhờ hàng loạt tính năng được tích hợp. Sản phẩm của Tencent có thể gọi đồ ăn, gọi và thanh toán tiền taxi, mua vé xem phim, chơi game, đăng ký chuyến bay… Thậm chí, nó có thể được dùng để mua rau củ ở ngoài chợ, đặt lịch hẹn khám bệnh với bác sĩ, nhận bản sao kê ngân hàng, theo dõi tin tức từ người nổi tiếng hoặc gây quỹ từ thiện. Theo The Verge, gần đây WeChat còn được tích hợp thẳng vào hệ thống chứng minh nhân dân điện tử của Trung Quốc.

Để có được “siêu tính năng” này, WeChat đã được Tencent áp dụng mô hình tiên phong “mọi ứng dụng trong một ứng dụng”. Thống kê cho thấy có hàng triệu phần mềm nhỏ hơn nằm trong WeChat, giúp người dùng thực hiện bất cứ điều gì họ muốn. Điều này khiến nó giống như một trình duyệt cho các website trên thiết bị di động, lại vừa giống như một hệ điều hành có kho ứng dụng riêng.

“Mọi dịch vụ trong cuộc sống của một công dân Trung Quốc – online, đi chợ, giải trí, chuyển tiền – đều thông qua một ứng dụng duy nhất”, blogger Ben Thompson nhận xét vào năm 2017. “WeChat phổ biến tại Trung Quốc đến nỗi nó gần như bắt buộc phải được cài trên mỗi chiếc điện thoại”.

Còn theo ký giả Connie Chan, WeChat thậm chí nằm trong tiềm thức của người Trung Quốc. Mỗi khi nhấc điện thoại, việc đầu tiên của họ sẽ là nhấn vào ứng dụng này là có thể biết được gần như mọi thứ.

WeChat với Apple

Người dùng Trung Quốc thích các sản phẩm của Apple, đặc biệt là iPhone. Thị trường này hiện chiếm khoảng 20% doanh số bán iPhone, theo số liệu từ Bloomberg.

Tuy nhiên, vấn đề của Apple tại Trung Quốc là hầu hết người dùng tại đây chỉ quan tâm đến phần cứng và hình ảnh thương hiệu của iPhone, nhưng iOS và các tính năng bên trong ít được chú ý. Thậm chí với không ít người, điện thoại thông minh đơn giản chỉ là một thiết bị để sử dụng WeChat.

Như vậy, nếu iPhone không thể cài WeChat, những người yêu thích iPhone tại Trung Quốc có thể sẽ từ bỏ thiết bị này để chuyển sang một nhà sản xuất trong nước. Tất nhiên, ưu tiên của họ vẫn là một sản phẩm có thương hiệu, phần cứng hấp dẫn và cài được WeChat. “Đó là một mối đe dọa”, ký giả Ben Lovejoy nói.

Nếu WeChat chỉ bị cấm ở Mỹ, ứng dụng này sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do số lượng người dùng không đáng kể. Những đối tượng bị tác động chỉ có thể là công dân Trung Quốc cư trú tại đây, hoặc những người có gia đình hoặc bạn bè tại Trung Quốc. Trong kịch bản này, doanh số iPhone toàn cầu có thể giảm 3 – 6%.

Tuy nhiên, lệnh cấm của Trump tác động lớn hơn thế. Theo tuyên bố, những công ty như Apple buộc phải chấm dứt mọi mối quan hệ kinh doanh với Tencent, phải xóa WeChat khỏi App Store trên toàn cầu, bao gồm Trung Quốc.

Nếu một chiếc iPhone không có WeChat, về cơ bản, nó vô dụng tại Trung Quốc. Không ai muốn và sẽ không ai mua. Đó là lý do tại sao Kuo nói rằng lệnh cấm của Trump sẽ “giết chết” iPhone tại thị trường lớn nhất thế giới. Việc doanh số iPhone giảm sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy như doanh số AirPods, Apple Watch, iPad… và tất nhiên là cả mảng dịch vụ sẽ “chết” theo. Cuối cùng, tổng doanh thu của Apple trên toàn cầu giảm 25 – 30%.

Tim Cook phải làm gì?

CEO của Apple và người đứng đầu Nhà trắng thường có rất ít điểm tương đồng. Quan điểm chính trị và xã hội của họ cũng hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, Cook luôn lập luận rằng tốt nhất là nên tham gia vào các vấn đề và cố gắng gây thiện cảm đối với những hành động của Trump hơn là “đoạn tuyệt” mọi thứ.

Trong quá khứ, Trump không ít lần đe dọa hoạt động kinh doanh của Apple. Tháng 2/2017, khi Trump áp lệnh cấm nhập cư, Cook thừa nhận hàng trăm nhân viên Apple gặp khó khăn. Khi Trump áp thuế nhập khẩu với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, hầu hết thiết bị và phụ kiện do Apple bán ra đều ảnh hưởng ít nhiều.

Cook nhiều lần gặp Trump với mục đích chính là muốn tìm kiếm một lệnh miễn trừ đối với các sản phẩm của Apple. Phần lớn những nỗ lực này đều thành công, dù được đánh giá là hết sức khó khăn.

Cook sẽ tiếp tục gặp Trump để bàn về lệnh cấm WeChat. Người đứng đầu Apple sẽ vẫn thuyết phục việc đảo ngược lệnh cấm bằng tài ăn nói thuyết phục và những diễn giải sáng tạo. Tuy vậy, câu chuyện không dễ dàng như trước đây.

Một số chuyên gia đánh giá, Apple đang đặt cược tương lai của mình tại Trung Quốc vào tài thao lược của Cook. Trước đây, Apple luôn có đủ tài chính để chống chịu những lệnh cấm của chính phủ Mỹ. Nhưng nếu cấm WeChat, Apple có thể mất toàn bộ thị trường Trung Quốc chỉ sau một đêm và đó sẽ là thiệt hại vô cùng lớn, nhất là khi hãng sắp ra mắt loạt iPhone 12 mới.

Trong “trận chiến” này, Cook buộc phải thắng.

Bảo Lâm (theo 9to5mac)

Nguồn bài viết

Bài trướcĐổi đời nhờ nuôi lươn cho ăn thêm Vitamin ‘chua chua’
Bài tiếp theoThi tốt nghiệp THPT: Bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên vừa sức | Giáo dục