Dù quy định đã được thông qua, tuy nhiên, việc cấm dịch vụ đòi nợ thuê tiếp tục nhận được những tranh luận trái chiều từ dư luận, đặc biệt là khối ngân hàng và các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch công ty Luật Basico
Xem Video: TP.HCM kiến nghị cấm hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê
Chiều 17/6, với 90,27% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê trong Luật Đầu tư (sửa đổi). Dù quy định đã được thông qua, tuy nhiên, việc cấm dịch vụ đòi nợ thuê tiếp tục nhận được những tranh luận trái chiều từ nhiều dư luận, đặc biệt là khối ngân hàng và những doanh nghiệp đăng ký, đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Nên cấm “biến tướng của dịch vụ đòi nợ” chứ không phải cấm dịch vụ đòi nợ
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch công ty Luật Basico cho rằng, quy định cấm dịch vụ đòi nợ hiện đang có 2 vấn đề cần phải làm rõ.
Thứ nhất, ai sẽ là đối tượng chịu trách nhiệm thu hồi nợ trong bối cảnh thị trường có cung có cầu hiện tại.
Thứ hai, nhu cầu thu hồi nợ là nhu cầu có thật của xã hội. Theo quy luật thị trường, có “cầu” ắt hẳn có “cung” để đáp ứng. Trong bối cảnh hiện tại, lĩnh vực nào cũng phải phân chia công việc, ngành nghề, để chuyên môn hóa, tăng năng suất.
Điển hình ở đây là ngân hàng, những doanh nghiệp hoạt động cho vay và đòi nợ, với đội ngũ hàng trăm, ngàn cán bộ nhân viên, hàng trăm pháp chế xử lý nợ xấu vẫn cứ phải đi thuê dịch vụ ngoài. Vẫn sống dở chết dở với câu chuyện vay – nợ. Đặt vào trường hợp doanh nghiệp, cá nhân, người dân khi phát sinh vấn đề không còn cách nào để thu hồi tài sản bằng cách đi thuê dịch vụ. Đôi lúc đồng ý đi mất 50% số vốn ban đầu để đòi được nợ, còn hơn để mất luôn toàn bộ khoản cho vay.
Bởi vậy, bản chất của dịch vụ đòi nợ thuê là không xấu, không nên cấm đoán. Có chăng, thứ nên cấm đoán ở đây là “biến tướng của dịch vụ đòi nợ”. Vừa qua có hiện tượng lợi dụng kinh doanh dịch vụ đòi nợ để vi phạm Pháp Luật, ảnh hưởng đến trật tự xã hội, có lẽ đây chính là căn nguyên dẫn đến việc Quốc hội thông qua quy định cấm kinh doanh dịch vụ này.
“Theo tôi, những doanh nghiệp đăng ký, hoạt động trong lĩnh vực này là tốt, vì những đơn vị này cần phải giữ nghề, giữ giấy phép. Sự vụ nào vượt quá khuôn pháp thì có Pháp Luật nhắc nhở, xử phạt hành chính, hoặc nữa là xử lý Hình Sự. Còn những nơi hoạt động theo kiểu xã hội đen, tín dụng đen, hoạt động không có giấy phép chính quyền cứ xử lý thật mạnh tay. Không nên cứ không quản được thì cấm”, ông Đức chia sẻ.
Dưới góc độ Pháp Luật, vị luật sư này cũng nêu ra vấn đề nghiêm trọng khi dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm. Đó là sự việc người dân, doanh nghiệp cho mượn tiền (hoặc đối tác nợ nần – PV) nhưng cố tình không trả. Con nợ vẫn đi xe hơi, ở nhà lầu, ăn sung mặc sướng, nghênh nganh.
Trường hợp chủ nợ là những người thiếu hiểu biết Pháp Luật, thấy tình trạng này tiến hành bắt nợ bằng hình thức giữ người đòi tiền chuộc, hay tịch thu tài sản vì suy nghĩ là tiền mình thì mình đòi mà không biết rằng đó đang là vi phạm Pháp Luật.
“Bao nhiêu năm làm việc trong nghề luật sư, tôi đã chứng kiến rất nhiều vụ như vậy. Vì bắt giữ người, vì tịch thu xe của con nợ để lấy phần tài sản đáng lẽ của mình lại thành ra bắt cóc, cướp giật tài sản phải chịu tù tội. Đáng lẽ, phần việc đó có thể đi thuê, đi tìm những đơn vị có nghề, hiểu biết và chuyên môn để giúp người dân xử lý”, ông Đức nói.
217 công ty đang hoạt động sẽ đi về đâu?
Mặt khác, lệnh cấm được thông qua đồng nghĩa với 217 công ty đăng ký đòi nợ hợp pháp sẽ bị giải tán. Đa số, nhân viên của những công ty này đều là thanh niên quen sống với nghề. Việc chuyển đổi công việc với tính đặc thù có thể dẫn đến tỉ lệ tội phạm gia tăng. Hình thức tín dụng đen, vay nặng lãi biến tướng dưới nhiều hình thức tinh vi hơn.
Một điểm đáng chú ý nữa cũng được luật sư Trương Thanh Đức trao đổi chính là việc các công ty đòi nợ chuyên nghiệp, thành lập đúng Pháp Luật, quản lý thuế má thì bị cấm, lại đẩy tất cả vào bất hợp pháp.
Dẫn chứng cho việc này, ông Đức cho biết, trong bộ luật dân sự và nhiều luật khác, câu chuyện ủy quyền là mặc định, không đơn vị nào được pháp ngăn cản trừ những trường hợp đặc biệt được quy định rõ.
Việc cấm dịch vụ đòi nợ thuê có thể dẫn đến việc chủ nợ tiến hành ủy quyền nợ; mua bán nợ; tặng, cho nợ cho bên thứ 3. Lúc này bên thứ 3 có toàn quyền sử dụng khoản nợ đó. Hình thức này thực chất vẫn là đòi nợ thuê nhưng không thể đi lên con đường chuyên nghiệp, khó quản lý và không thuế cho ngân sách nhà nước.
“Ủy quyền có hai dạng đó là ủy quyền có thù lao và ủy quyền không thù lao. Dù dưới cách nào thì nó vẫn hợp pháp và được luật pháp công nhận. Do vậy, dù Quốc hội đã thông qua việc cấm dịch vụ đòi nợ thuê nhưng bằng cách này hay cách khác nó vẫn tồn tại. Thay vị vậy, tại sao chúng ta không công khai, quy chuẩn nó lên mà quản lý, lại lựa chọn phương án không quản được lại cấm như hiện nay,” luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm.