HomeGiáo dụcCách điều chỉnh nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển |...

Cách điều chỉnh nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển | Giáo dục

Chiều 22.9, trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức với chủ đề “Nên hay không nên điều chỉnh nguyện vọng?”, các chuyên gia đến từ các trường ĐH đã có những lưu ý cần thiết cho thí sinh (TS) về vấn đề này. Chương trình trực tuyến ở các địa chỉ: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và kênh YouTube Báo Thanh Niên.

Đừng nên dao động

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh – Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết từ khi chính thức mở cổng điều chỉnh nguyện vọng, trường cũng nhận được thông tin, thắc mắc của phụ huynh và TS. “Để điều chỉnh nguyện vọng, TS cần quan tâm điểm của mình, điểm sàn ra sao, phổ điểm năm nay như thế nào”, thạc sĩ Phương chia sẻ.
Còn theo thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, TS hãy căn cứ theo năng lực sở trường của mình khi điều chỉnh nguyện vọng.

“Chọn ngành quan trọng hơn chọn trường. Hãy ưu tiên ngành học rồi mới đến chọn trường học. Kế đến xem phương thức xét tuyển nào phù hợp với bản thân. TS có thể tham chiếu từ anh chị, thầy cô, bạn bè, cuối cùng xác định bản thân phù hợp ngành gì trước khi muốn điều chỉnh nguyện vọng”, thạc sĩ Nguyên lưu ý.

Về vấn đề này, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho rằng: “Chỉ nên điều chỉnh khi TS thấy thực lực của mình tốt và những nguyện vọng mình điều chỉnh phù hợp với thực tế điểm số đang có. Ngược lại, không nên điều chỉnh nếu TS cảm thấy yên tâm rồi. Nếu các bạn cảm thấy yên tâm đừng dao động nữa”.

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng khoa Du lịch và Việt Nam học, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng đồng quan điểm: “Không nên điều chỉnh nguyện vọng khi chúng ta đã chọn được ngành học mình yêu thích”.

Cách điều chỉnh để tránh sai sót

Theo thạc sĩ Phương, những yếu tố đầu tiên để TS cân nhắc khi điều chỉnh nguyện vọng gồm điểm số có thấp hơn mức điểm nhận hồ sơ hay không; TS thích học ngành nào hơn; Trong cùng 1 ngành nên xem xét mô hình đào tạo, định hướng đào tạo của trường ĐH bạn mong muốn xét tuyển có phù hợp với bạn hay không…

Nhấn mạnh hơn về vấn đề điều chỉnh nguyện vọng, thạc sĩ Cao Quảng Tư chia sẻ: “Rất nhiều bạn nếu trước đó không cập nhật điện thoại thì không thể điều chỉnh trực tuyến. Các bạn phải cập nhật số điện thoại trước để lấy số OTP. Khi điều chỉnh nguyện vọng, TS phải sắp xếp lại thứ tự. Sau đó chờ 30 phút để nhận mã OTP kiểm tra lại thông tin xem chính xác chưa. Nếu làm theo các bước như vậy thì sẽ tránh sai sót.

Cũng theo thạc sĩ Cao Quảng Tư, điều đặc biệt là TS cần cẩn trọng, tuân thủ các yếu tố kỹ thuật trong điều chỉnh nguyện vọng. Nếu không yên tâm, nên đến trường THPT nhận phiếu điều chỉnh trực tiếp, tại đây các thầy cô sẽ giúp khi đăng ký.

Về việc điều chỉnh nguyện vọng để chọn được ngành, trường học mong muốn sẽ quyết định đến cơ hội thành công sau này, thạc sĩ Tư nhìn nhận: “Không quan trọng bạn tốt nghiệp ngành gì, mà quan trọng là bạn có tạo được giá trị nghề nghiệp hay không, có làm bằng lòng các nhà tuyển dụng không. Cho dù bạn tốt nghiệp cao đẳng hay ĐH thì bạn vẫn có giá trị nếu như đặt đúng vào vị trí sở trường của mình. Chính vì thế, TS cần ý thức rất rõ trong 4 năm ĐH, bạn sẽ xây dựng giá trị bản thân mình”.


Những lưu ý khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển

Vào 14 giờ 30 ngày 24.9, Báo Thanh Niên tiếp tục thực hiện chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến xét tuyển vào ĐH với chủ đề “Những lưu ý khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển”. Chương trình được phát sóng các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.

Chương trình tư vấn hôm nay với chủ đề “Những lưu ý khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển” sẽ cung cấp thông tin quan trọng và giải đáp các băn khoăn của TS giai đoạn này.

Chuyên gia tư vấn tham dự chương trình gồm: thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn; thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh – Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM; thạc sĩ Trần Phán Lịnh, Tổ trưởng Tổ công tác tuyển sinh Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM và đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. 

Bảo Hân




Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img