HomeGiáo dụcCác trường hợp sinh viên sư phạm phải trả lại học phí

Các trường hợp sinh viên sư phạm phải trả lại học phí

Không làm trong ngành giáo dục hoặc chỉ làm trong thời gian ngắn, sinh viên sư phạm sẽ phải trả lại khoản hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt.

Theo dự thảo Nghị định về chính sách hỗ trợ đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm đang được lấy ý kiến, các em sẽ được nhà nước miễn học phí, tối đa không vượt mức trần học phí theo quy định của Chính phủ.  

Ngoài ra, học sinh, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng chi phí sinh hoạt một tháng, áp dụng thống nhất trong năm học và hàng năm điều chỉnh theo tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng do Nhà nước công bố. 

Thời gian miễn học phí và chi phí sinh hoạt theo số tháng thực tế học tập tại trường, nhưng không quá 10 tháng một năm học.

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Sinh viên sư phạm sẽ không phải suy nghĩ bồi hoàn số tiền hỗ trợ nếu sau khi ra trường công tác trong ngành giáo dục với thời gian tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo (kể từ ngày được tuyển dụng).

Ngược lại, nếu sau hai năm kể từ khi tốt nghiệp, những em không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác trong ngành giáo dục không đủ gấp hai lần thời gian đào tạo và nghỉ việc sẽ phải hoàn trả khoản kinh phí hỗ trợ. 

Những em đang trong thời gian học nhưng bỏ, chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học cũng phải hoàn trả toàn bộ kinh phí đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ. 

Học sinh, sinh viên sư phạm bị đình chỉ học tập sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời gian bị đình chỉ. 

Những em dừng học do ốm đau, tai nạn, học lại, lưu ban (không quá một lần) hoặc dừng học vì lý do khác không do kỷ luật hoặc tự thôi học sẽ được trường xem xét tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ.

Học sinh, sinh viên sư phạm phải hoàn trả kinh phí hỗ trợ theo công thức:

S = (F / T1) x (T1 – T2)

Trong đó, S là kinh phí hoàn trả. F là khoản học phí và chi phí sinh hoạt được nhà nước hỗ trợ. T1 là tổng thời gian làm việc trong ngành giáo dục theo quy định được tính bằng số tháng làm tròn. T2 là thời gian đã làm việc trong ngành giáo dục được tính bằng số tháng làm tròn.

Cũng theo dự thảo, hàng năm các địa phương phải căn cứ vào tình trạng thừa, thiếu giáo viên để xác định nhu cầu và xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên chi tiết cho từng bộ môn. UBND cấp tỉnh quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên với các trường sư phạm. 

Các trường có trách nhiệm công khai mức thu học phí theo từng năm học và dự kiến cả khóa học, chi phí đào tạo, chuẩn đầu ra, tổ chức tuyển chọn và thực hiện hợp đồng đào tạo với địa phương có nhu cầu đặt hàng nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định.  

Căn cứ vào nhu cầu sử dụng giáo viên tại địa phương, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể cơ chế tuyển dụng học sinh, sinh viên sư phạm tốt nghiệp.

Dự thảo lấy ý kiến đến hết ngày 17/3.

>>Xem toàn văn dự thảo

Chính sách không thu học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm thực hiện được 20 năm, từ Luật giáo dục năm 1998, Luật giáo dục năm 2012 và các văn bản hướng dẫn (mới nhất là Nghị định số 86 ngày 2/10/2015). Đây là chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước thể hiện quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Chính sách này đã thu hút nhiều học sinh giỏi vào các trường sư phạm. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường lao động thay đổi, số sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp hoặc làm trái ngành nhiều gây ra lãng phí rất lớn. Hơn nữa, nhiều em vào trường sư phạm chỉ vì được miễn học phí chứ không hề yêu thích nghề này. Vì vậy, từ cuối năm 2017, nhiều chuyên gia đề nghị nên bỏ quy định miễn học phí cho sinh viên sư phạm.

Luật Giáo dục 2019 được công bố hồi đầu tháng 7/2019 đưa ra quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt toàn khóa học nhưng phải bồi hoàn nếu sau hai năm kể từ khi tốt nghiệp không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian.

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img