Từ một huyện nghèo vùng Tây Bắc, Yên Bình (tỉnh Yên Bái) đang vươn lên tầm một huyện khá toàn vùng. Những giải pháp đột phá về đầu tư, công nghiệp, nông lâm nghiệp và đặc biệt là kinh tế du lịch, đã mang lại một diện mạo đầy sức sống cho vùng đất sơn thủy Thác Bà ngày nay.
Diện mạo cuộc sống huyện Yên Bình thay đổi nhanh chóng sau những giải pháp đột phá về kinh tế – xã hội.
Xem Video: Phát triển bền vững kinh tế du lịch
XEM VIDEO CLIP: DYSZR_Cyjik
Thu nhập từ sản xuất là “linh hồn của xây dựng nông thôn mới”
“Quả bưởi này sẽ làm giàu cho người xã Đại Minh và thay đổi tư duy kinh tế của dân vùng hồ Thác”- câu nói của cố Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái phạm Duy Cường từ ngày ông còn là Chủ tịch tỉnh này nhiều năm trước, đã trở thành sự thật.
Giống bưởi “tiến vua” có gien quý ở xã Đại Minh của huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái có hương vị thơm, ngọt quánh mật, ăn đến no mà không chán. Từ câu chuyện chỉ là trái ngọt vườn đồi lẻ tẻ xuống chợ cuối tháng Mười bán đong gạo qua ngày, nó đã bước lên sân khấu Lễ hội bưởi Đại Minh và đi đến mọi miền Tổ quốc cách đây vài năm với một tầm nhìn dài hơi rất bài bản của các lãnh đạo huyện và tỉnh Yên Bái. Với giá khoảng 50-60 ngàn đồng/quả, bưởi Đại Minh mang về thu nhập trung bình 500 triệu đồng/ha – con số đang thay đổi tất cả ở một xã vùng ven hồ Thác Bà từng lay lắt tìm lối thoát nghèo.
Nhưng không chỉ quả bưởi, Yên Bình đột phá thu nhập cho người dân với phương châm “mỗi xã một sản phẩm”. Hạt gạo Bạch Hà ngon nức tiếng Tây Bắc bước ra thị trường khan hàng đến nỗi không có nhiều mà cung, mang lại 120 triệu đồng/ha. Cá lồng hồ Thác sạch và ngon ở đẳng cấp đặc sản với hơn 1.700 lồng có mức thu 30 triệu đồng/lồng/năm – những sản phẩm có nhãn hiệu riêng, đang thay đổi diện mạo và cuộc sống ở sơn cước nghèo từng nhường lại hàng ngàn làng mạc chìm sâu dưới đáy hồ nhân tạo để thủy điện Thác Bà tiếp sức cho dòng điện quốc gia. Chế biến kỹ, sản xuất theo chuỗi, toàn huyện có trên 40 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, trên 200 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả; thành lập 8 trang trại đạt chuẩn, hàng trăm trang trại quy mô nhỏ theo mô hình VAC, VRAC…
Chuyển dịch kinh tế đúng hướng, Yên Bình đã tăng trưởng bình quân 5 năm ước đạt 18,8%, thu nhập bình quân đầu người nay đạt 36 triệu đồng. Nhiều chỉ tiêu tăng cao so với Nghị quyết đề ra như: Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt gần 3.000 tỷ đồng, vượt mục tiêu hơn 40%, tăng 66% so với năm 2015; giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 2,6 lần, vượt 45%. Toàn huyện đã xây dựng 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, quyết tâm sẽ trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025 với mức thu đầu người đạt 60 triệu đồng.
Huyện đã huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tập trung hoàn thiện hệ thống điện, đường, trường, trạm, trụ sở làm việc.
Hiện toàn huyện có 235 doanh nghiệp, 65 hợp tác xã, 482 tổ hợp tác và trên 2.500 hộ kinh doanh cá thể. Mỗi năm giải quyết gần 3.000 việc làm mới cho người lao động. Tổng giá trị sản xuất của các thành phần kinh tế năm 2020 ước đạt trên 13.000 tỷ đồng. Chỉ 5 năm qua, đã có 61 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 16.000 tỷ đồng và 11,14 triệu USD; đến nay đã có 33 dự án đã hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động hiệu quả. Đáng kể cho đầu tư công nghiệp phải kể đến nhà máy may Dae Seung Global, Bảo Lai…
Ông Đoàn Hữu Phung, Bí thư Huyện ủy Yên Bình, cho biết năm nay ước thu ngân sách toàn huyện đạt khoảng 300 tỷ đồng – con số chưa từng có thế hệ lãnh đạo nào ở huyện này dám… mơ ước, khi mà chỉ cách đây ít năm huyện chỉ đạt vài chục đến trăm tỷ là cùng. Nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,38% – đó là sự thay đổi vượt bậc, gắn liền là đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn.
Chú trọng giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả“, nuôi gì, trồng gì, kỹ thuật thế nào, nguồn đầu tư huy động ở đâu, sản phẩm bán ở đâu…, đó là trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên từ thôn bản lên đầu huyện làm thay đổi thu nhập sản xuất của người dân. Cũng là “5 rõ“ này, việc giải quyết việc công hằng ngày từ huyện xuống xã phải rất khẩn trương, nghiêm túc. Đại hội Đảng huyện lần này sẽ càng chú trọng mạnh mẽ, tuyển lữa những con người xứng đáng phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, đáp ứng cấp bách những nguyện vọng chính đáng của người dân trên con đường phát triển của huyện.
“Năng lực giải quyết tới 95% đơn thư hằng năm – cán bộ, đảng viên tạo cho người dân sự đồng thuận, đoàn kết và tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền, để người dân mạnh dạn, an tâm làm ăn, đã cho thấy yếu tố quan trọng của sự phát triển”- ông Phung nói.
Vận hội lớn cho sơn thủy hồ Thác
Sẽ không còn cảnh đìu hiu trăng nước lạnh lẽo hồ Thác. Hai năm trước, khi Thủ tướng phê duyệt quyết định mở ra Khu du lịch danh thắng Quốc gia hồ Thác Bà, hàng loạt nhà đầu tư đã tìm đến khảo sát, triển khai dự án đầu tư phát triển du lịch vùng hồ. Dự án khu công viên Văn hóa, Thể thao, Du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà của Tập đoàn Alphanam là điểm nhấn sẽ thay đổi con số 90.000 khách du lịch hằng năm lên khoảng 350.000 lượt.
Du khách nếu từng đến đây, và từng phải thốt lên vẻ đẹp mênh mang hồ Thác với hơn 1.300 hòn đảo, thì nay sẽ không ngần ngại chi tiền cho những dịp nghỉ dưỡng dài ngày với Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà, Đình làng Khả Lĩnh, Đình làng Ba Chãng; ngắm cảnh bồng lai, du lịch cộng đồng, khám phá bản sắc văn hóa Tày, dao các dân tộc, đua thuyền hồ Thác, thụ hưởng những đêm nhà sàn homestay.
Cuối tuần nơi đây, những đoàn xe từ miền xuôi, thủ đô đã tấp nập tìm về bản làng Vũ Linh, Phúc An.. Biến động rõ nét từ nhận thức của người dân về du lịch cộng đồng, nhiều hộ gia đình đã chỉnh trang, sửa chữa nhà cửa, tạo cảnh quan để đón khách. Con số doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt bình quân 50 tỷ đồng/năm từ ‘du lịch xóm’ đang báo tín hiệu ban đầu cho một vận hội lớn – du lịch và nghỉ dưỡng hồ Thác..