Vitamin là những hợp chất hữu cơ mà tế bào người và động vật không thể tự tổng hợp (trừ vitamin D). Chúng có mặt trong thức ăn với số lượng nhỏ, cấu trúc hoàn toàn khác với glucid, protid và lipid nhưng lại rất cần thiết cho một số phản ứng chuyển hóa giúp duy trì sự phát triển và sự sống bình thường của cơ thể. Khi bị thiếu hụt vitamin sẽ gây nên bệnh lý đặc hiệu.
Có mấy loại vitamin?
Dựa vào tính chất hòa tan trong nước hay dầu mà các vitamin được xếp thành 2 nhóm: vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, E, K…) và vitamin tan trong nước (vitamin nhóm B như B1, B2, B3, B5, B6, B8, B9, B12 và vitamin C).
Tuỳ theo giới và giai đoạn phát triển của cơ thể, nhu cầu vitamin rất khác nhau. Vì thế việc lựa chọn thuốc bổ sung vitamin không đơn giản. Sự thiếu hụt vitamin do nhiều nguyên nhân và đồng thời có thể thiếu nhiều loại vitamin cùng một lúc. Do vậy, trong điều trị cần phải tìm nguyên nhân và phối hợp nhiều loại vitamin khác nhau.
Bổ sung vitamin cho trẻ cần theo đúng hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.
Do cơ thể không thể tự tổng hợp được vitamin (ngoại trừ khi tắm, phơi nắng thích hợp để biến tiền vitamin D thành vitamin D), nên ta phải ăn uống đầy đủ và cân bằng dưỡng chất để được cung cấp đủ vitamin hàng ngày.
Trẻ nào cần bổ sung vitamin?
Nếu hàng ngày ta cho trẻ ăn uống với chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ thì không sợ thiếu vitamin. Ðặc biệt, nên tăng cường rau củ, trái cây các loại cho bữa ăn vì đây là nguồn vitamin thiên nhiên tốt nhất. Đối với trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, đương nhiên phải được bổ sung vitamin; hoặc trẻ sau giai đoạn bị bệnh (nhiễm khuẩn, ho hen, tiêu chảy…) thì việc uống thêm vitamin là cần thiết.
Vậy đối với trẻ bình thường có nên bổ sung vitamin? Về mặt lý thuyết, nếu trẻ ăn uống cân bằng, hợp lý, đầy đủ và tình trạng bình thường (tức không có dấu hiệu suy dinh dưỡng) thì không cần bổ sung vitamin. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ chế độ ăn không cung cấp đầy đủ thì ngay cả những trẻ khỏe mạnh cũng nên bổ sung vitamin. Bởi vì các vitamin vốn có trong thực phẩm sẽ bị mất đi hay giảm trầm trọng trong một bữa ăn đầy đủ nhưng chất lượng thực phẩm không đảm bảo (rau bị héo, trái cây không còn tươi nên mất nhiều vitamin C), hoặc bảo quản chế biến thực phẩm không tốt (gạo càng trắng càng có ít vitamin B1, thức ăn nấu quá kỹ vitamin C sẽ không còn…). Vì vậy nhiều khi bác sĩ vẫn khuyên cho những trẻ xem ra khỏe mạnh uống bổ sung vitamin. Còn với trẻ béo phì, bác sĩ thường khuyên nên ăn chế độ ít chất béo và cần thiết phải bổ sung các vitamin, vì chế độ ăn ít chất béo không giúp hấp thu đủ lượng vitamin tan trong dầu là vitamin A, D, E, K.
Cần lưu ý, việc sử dụng thuốc bổ sung vitamin không thay thế được thức ăn, mà vẫn phải ăn uống đầy đủ, cân bằng các nhóm thực phẩm. Trong các loại vitamin, vitamin A và D không được dùng thừa, dùng quá liều vì sẽ tích lũy lại trong cơ thể và có thể gây ngộ độc. Nếu dùng loại vitamin đa sinh tố (multivitamin) ngày uống 1 viên thì không được chứa quá 5.000 đơn vị quốc tế (IU) vitamin A và không quá 400 IU vitamin D. Nếu dùng loại dung dịch uống, phải lấy số giọt hoặc thể tích (số ml) theo đúng bản hướng dẫn sử dụng thuốc. Nên cho trẻ dùng dạng lỏng như dung dịch uống vì vừa dễ uống vừa dễ hấp thu. Không nên dùng vitamin C liều quá cao (hơn 1g/ngày) vì có thể gây tiêu chảy, loét đường tiêu hóa, sỏi thận khi dùng dài ngày.
Theo Suckhoedoisong.vn