Chủ tịch Quốc hội cho biết Bộ Chính trị đã kết luận không chuyển hết cả 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công mà chỉ xem xét chuyển một số.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Hải Quân.
Chiều 1/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Đây là lần thứ 2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề xuất này của Chính phủ. Trong phiên họp thứ 45 diễn ra ngay trước khi bắt đầu kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, kết luận, không chuyển đổi cả 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP sang đầu tư công. Được yêu cầu chuẩn bị lại nội dung này, lần này Chính phủ trình ra 3 phương án.
3 phương án chuyển đổi
Theo tờ trình của Chính phủ, việc lựa chọn chuyển đổi 8 dự án của cao tốc Bắc – Nam phía đông được thực hiện trên 3 nguyên tắc: Sự cần thiết, cấp bách của dự án; khả năng huy động vốn tín dụng và khả năng đấu thầu thành công; đảm bảo tính kết nối giao thông liên tục, đồng bộ.
Phương án 1, Chính phủ đề xuất chuyển đổi toàn bộ cả 8 dự án như đã trình tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần trước sang đầu tư công. Phương án này không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành.
Phương án 2, chuyển đổi 5/8 dự án sang đầu tư công, gồm 4 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn – QL45, QL45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu và Phan Thiết – Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết).
Tổng mức đầu tư của phương án này khoảng 100.250 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Nhà nước khoảng 88.059 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 12.194 tỷ đồng.
Phương án 3, chuyển đổi 3/8 dự án, gồm 2 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn – QL45 và Phan Thiết – Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư (đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết).
Với phương án này, tổng mức đầu tư khoảng 100.816 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Nhà nước khoảng 78.461 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỷ đồng.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban không đồng tình với phương án 1 và 2 vì trái các nguyên tắc mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận trước đó.
Đối với phương án 3, có nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng theo ông Thanh, đa số ý kiến không nhất trí với việc lựa chọn dự án là dự án Mai Sơn – QL45 và dự án Phan Thiết – Dầu Giây mà Chính phủ trình ra, vì 2 dự án này có tiềm năng, khả thi nhất để thực hiện theo hình thức đối tác công tư. Ngoài ra, nếu chuyển đổi 2 dự án này, tổng vốn ngân sách Nhà nước cần bổ sung sẽ rất lớn (23.462 tỷ đồng).
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với lựa chọn chỉ chuyển đổi tối đa 3 dự án thành phần, đồng thời đề nghị xem xét lựa chọn thứ tự ưu tiên dự án chuyển đổi theo nguyên tắc mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu tại phiên họp thứ 45.
Cụ thể: Dự án không có nhà đầu qua vòng sơ tuyển (Vĩnh Hảo – Phan Thiết); có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển nhưng khả năng đấu thầu không thành công; không bố trí bổ sung số vốn đầu tư công lớn. Ngoài ra, cần quan tâm hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực đến các nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển khi phải hủy kết quả sơ tuyển để chuyển sang đầu tư 100% vốn đầu tư công.
Chuyển đổi 3/8 dự án sang đầu tư công
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói đây là nội dung đã được xin ý kiến Bộ Chính trị. Theo đó, Bộ Chính trị kết luận không chuyển hết cả 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công mà chỉ xem xét chuyển một số.
“Bộ Chính trị giao Ban cán sự Đảng và Đảng đoàn Quốc hội bàn bạc thống nhất lựa chọn dự án chứ không chỉ rõ đoạn nào”, bà Ngân cho biết và đề nghị 2 bên thống nhất để làm.
Chủ tịch Quốc hội cho biết Bộ Chính trị đã kết luận không chuyển hết cả 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công mà chỉ xem xét chuyển một số dự án. Ảnh: quochoi.vn.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đồng ý với việc chọn phương án 3 và thống nhất với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là không để số vốn thực hiện dự án sang nhiệm kỳ sau.
Theo bà Ngân, dự án không có nhà đầu qua vòng sơ tuyển (Vĩnh Hảo – Phan Thiết) thì chắc chắn là phải chuyển đổi sang đầu tư công. Còn 2 dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45 và dự án Phan Thiết – Dầu Giây nối Hà Nội và TP.HCM – đều có lưu lượng xe đi lại rất lớn. Hai dự án này có nguồn vốn đầu tư của Nhà nước ít mà huy động nguồn vốn của đối tác tư nhân nhiều nên nhà đầu tư còn e ngại trong vấn đề vốn để thi công. Vì thế, có thể điều chỉnh chuyển từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đồng tình với phương án chuyển 3 dự án trên sang đầu tư công.
Theo Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, việc thực hiện 3 dự án này phải đảm bảo yếu tố thời gian triển khai nhanh nhất và thu hồi được vốn nhanh qua thu phí, khai thông được giao thông ở vành đai 2, vành đai 3 thực sự hiệu quả. Việc đấu thầu các dự án nên được mở rộng và quyền quyết định là của Nhà nước.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chỉ chuyển đổi những công trình không có nhà đầu tư là dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết và lựa chọn 2 dự án thấy có ý nghĩa quan trọng nhất giải quyết được vấn đề cấp bách về giao thông, xử lý được những vấn đề trong phát triển giao thông hiện nay.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất theo phương án thứ 3 của Chính phủ là ngoài dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết thì có thêm 2 dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Phan Thiết – Dầu Giây là sẽ sử dụng ngân sách của Nhà nước để đầu tư.
Ông Hiển yêu cầu Chính phủ trình lại Tờ trình với một quan điểm chọn một phương án thống nhất chứ không nên đưa cả 3 phương án. Các dự án khi chuyển đổi sang đầu tư công vẫn phải thực hiện các thủ tục đấu thầu theo quy định.