Bảy cách dạy trẻ không cần là người giỏi nhất

Thay vì ép con hoàn hảo, trở thành người giỏi nhất trường, phụ huynh nên tôn trọng tính cách của chúng, mở rộng ý tưởng về sự thành công để nuôi dạy đúng hướng.

Nhiều phụ huynh lo lắng khi con bỏ chơi bóng, chơi piano hay mang cuốn vở có điểm B và C về nhà, ngay cả khi con mới học bậc tiểu học. Hầu hết trẻ ở mức trung bình, như vậy mới có cụm từ “mức trung bình”. Vậy tại sao nhiều phụ huynh có xu hướng căng thẳng khi đó là con mình và tại sao cứ phải thúc đẩy chúng theo đuổi những thành tích ấn tượng, nổi bật giữa đám đông?

Julie Lythcott-Haims, tác giả cuốn “How to Raise an Adult” (Tạm dịch: Làm sao để con trưởng thành) viết “Con bạn có cơ hội tuyệt vời để sống một cuộc đời có ý nghĩa và có mục đích khi giao thoa giữa những gì chúng giỏi, những gì chúng yêu thích và những gì chúng coi trọng”. Nói như vậy để thấy không phải cứ là người giỏi nhất thì mới thành công và sống có ý nghĩa.

Dưới đây là những gợi ý của tạp chí Parents dành cho những phụ huynh muốn con thành công mà không cần là người giỏi nhất:

Mở rộng ý tưởng về sự thành công

Nền văn hóa hiện nay đánh giá quá cao điểm số và tương lai lý tưởng mà điểm số đem lại. TS Eileen Kennedy-Moore, tác giả cuốn “Kid Confidence” (Tạm dịch: Sự tự tin của trẻ), hiểu rằng tầm nhìn hạn hẹp về thành tích thường xuất phát từ sự lo lắng. “Chúng ta muốn đảm bảo con cái sẽ ổn. Vì vậy, chúng ta thường xem xét các kết quả có thể đo lường được như điểm số hay giải thưởng này, giải thưởng kia. Tất nhiên, nếu lùi lại, chúng ta sẽ nhận ra rằng không có gì là đảm bảo”, bà nói.

Nghiên cứu của tiến sĩ tâm lý học Adam Grant, tác giả cuốn “Give and Take” (Tạm dịch: Cho và nhận), cho thấy các kỹ năng xã hội và cảm xúc, bao gồm cả sự hợp tác và đồng cảm, mới thực sự thúc đẩy thành công trong sự nghiệp.

Nhìn vào những gì đứa trẻ có

Một cách để dạy những đứa trẻ về sự đồng cảm là hãy trân trọng và tôn trọng chúng. Điều này có nghĩa là bạn đừng vẽ cho con một bức tranh màu hồng, đừng biến con là một học sinh hạng A hay ngôi sao thể dụng dụng cụ. Mỗi đứa trẻ là duy nhất, không giống với anh chị em của chúng và cũng không giống như bạn hồi bé hay như những gì bạn mong muốn, tô vẽ ra.

TS Wendy Mogel, tác giả cuốn “The Blessing of a B Minus”, gợi ý nên tiếp cận con và sở thích của chúng như thể bạn là một nhà nhân chủng học văn hóa với sự tò mò, cởi mở hơn là phán xét. Ví dụ, nếu con tuyên bố sẽ trở thành DJ khi lớn lên, thay vì nhảy vào giải thích lý do bạn không nghĩ đó là lựa chọn nghề nghiệp hợp lý, bạn có thể nói “À, hãy nói cho mẹ biết thêm về DJ. Mẹ luôn tự hỏi làm thế nào để chúng tạo ra những âm thanh phức tạp đó”.

Tranh: Bijou Karman.

Tranh: Bijou Karman.

Tìm cách lý tưởng để thúc đẩy con

Khi nói đến những đứa trẻ không nỗ lực nhiều cho công việc ở trường, bạn có thể liên hệ với những gì chúng quan tâm nhất. Hãy giúp con hiểu rằng những phần chúng không thích ở trường là phương tiện hữu ích. Một đứa trẻ muốn trở thành đầu bếp sẽ cần phải hiểu toán học và khoa học cùng những kỹ năng làm bếp cụ thể hơn. Một người muốn trở thành nông dân chăn bò sữa có thể coi trường học là không liên quan nhưng họ chắc chắn sẽ làm tốt hơn nếu có những kiến thức về hình học.

Đừng thúc đẩy sự hoàn hảo

Cha mẹ luôn nói với bọn trẻ rằng “Hãy cố gắng hết sức” nhưng bọn trẻ lại thường nghĩ câu đó đồng nghĩa với “Hãy làm những điều tốt nhất mà bạn có thể tượng tưởng được”. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chủ nghĩa hoàn hảo ở trẻ sẽ gây ra một số vấn đề như lo lắng, trầm cảm và rối loạn ăn uống. Trẻ sẽ không bị áp lực phải hoàn hảo nếu cha mẹ không thúc đẩy sự hoàn hảo ở chúng.

Cách tiếp cận tốt hơn là bạn nên khuyến khích con nỗ lực hợp lý tuỳ thuộc vào tầm quan trọng của nhiệm vụ, cảm giác của chúng và những thứ khác. Mỗi bài tập về nhà, bài kiểm tra hay môn thể thao sẽ không hoàn hảo. Vì vậy, hãy tạo ra một nơi trú ẩn an toàn tại nhà, nơi con có một chút không gian để thở.

Thay vì bắt con phải hoàn hảo, hãy đánh giá cao sự tiến bộ của chúng. Khi con chỉ đạt 7/10 điểm bài kiểm tra chính tả, hãy động viên con bằng những câu nói như “Đó là bài làm tốt nhất của con”.

Khuyến khích con vượt qua thử thách

Nghiên cứu về tư duy phát triển của GS tâm lý học ở Stanford, Carol S. Dweck, cho thấy trí thông minh không cố định. Bạn càng thử thách bản thân, não càng thích nghi. Bạn nên giải thích điều này cho con cái, khuyến khích cúng tiếp tục vượt qua thử thách.

TS Kennedy-Moore nói rằng “Hãy trấn an con rằng phải mất thời gian để học hầu hết kỹ năng và việc gặp khó khăn là dấu hiệu cho thấy não bộ của chúng ta đang phát triển”. Bạn có thể kể cho con để chúng biết mình đã đi được bao xa và nhắc rằng những thử thách chỉ là tạm thời. Chẳng hạn khi con tự học cách thắt dây giày, ban đầu thật khó khăn, thậm chí con còn ném giày xuống cầu thang, nhưng giờ công việc đó thật dễ dàng. Bạn cũng có thể chia sẻ về những cuộc đấu tranh của chính bạn.

Đánh giá cao mọi tính cách của con

Nhiều phụ huynh thường nhìn những đặc điểm tính cách đáng chú ý của con theo chiều hướng tiêu cực. Chẳng hạn, bạn thấy con bướng bỉnh mà không nghĩ tới đó cũng biểu hiện của sự bền bỉ. Còn tác giả Julie Lythcott-Haims thì khác. “Tôi thuộc trường phái biết điểm mạnh của con và xây dựng chúng hơn là biết tất cả điểm yếu của con và cố gắng cải thiện”, bà nói.

Tiến sĩ Madeline Levine, tác giả của cuốn sách “Ready or Not” (Tạm dịch: Sẵn sàng hay không), nhắc nhở phụ huynh nên coi trọng những đặc điểm mà trẻ sẽ cần để điều hướng thế giới đang thay đổi nhanh chóng này. Đó là trí tuệ cảm xúc, khả năng tự điều chỉnh, thích ứng, chấp nhận rủi ro và thử nghiệm.

Dạy trẻ cách tạo ra mối quan hệ giá trị

Cuối cùng, công việc quan trọng nhất của chúng ta với tư cách cha mẹ là dạy con cách kết nối và hòa hợp với những người khác. Hãy giúp trẻ học những kỹ năng xã hội và tình cảm cơ bản như yêu thương, tận hưởng vì những điều này sẽ giúp chúng thành công.

Việc phụ huynh lo lắng về năm học khó đoán do ảnh hưởng của Covid-19 là dễ hiểu nhưng các con đang tỏ ra kiên cường và linh hoạt hơn những gì cha mẹ thấy. Có thể dự án Harvard Making Caring Common sẽ tìm thấy kết quả khảo sát khác nhau khi thế hệ này trải qua một đại dịch toàn cầu. Có thể các nhà nghiên cứu sẽ thấy trẻ quan tâm đến người khác nhiều hơn là những quan niệm cứng nhắc về thành công cá nhân. Và có thể chính sự quan tâm đó sẽ khơi dậy niềm đam mê lớn hơn để xây dựng thế giới, sử dụng tất cả kỹ năng, trí thông minh và tài năng mà chúng có được. Thay vì bắt con phải hoàn hảo, phụ huynh hãy tin tưởng con chính xác sẽ là người mà chúng phải trở thành.

Dương Tâm (Theo Parents)

Nguồn bài viết

Bài trướcKhởi động dự án chạy bộ cộng đồng UpRace 2020 | Công nghệ
Bài tiếp theoGọi điện thổ lộ tình cảm với Mạc Trung Kiên, Jang Mi nhận kết đắng | Giải trí