Bất ngờ bứt phá, VN-Index “bay cao” trên mốc 1.000 điểm
Bình An
(TBKTSG) – Tuần trước, VN-Index đã có sự bứt phá ngoạn mục về cuối tuần, vượt xa mốc 1.000 điểm, mở đường cho đà tăng tiếp của thị trường trong các phiên đầu tuần này. Những diễn biến trong phiên cuối tuần trước thực sự đã đem lại nhiều bất ngờ cho nhà đầu tư.
Động lực tăng điểm chính của thị trường đến từ bộ ba cổ phiếu họ “Vin” là VHM, VRE và VIC ngay sau thông tin mua cổ phiếu quỹ của nhóm công ty này. Đà tăng của cổ phiếu họ “Vin” đã có sức lan tỏa khá tốt sang các blue-chips khác, giúp VN-Index tăng 1,9% so với tuần trước đó, đóng cửa ở mức 1.015 điểm.
VN-Index “giảm tốc” sau một tuần bùng nổ
Sau khi vượt qua khá dễ dàng vùng kháng cự quanh 1.000-1.005 điểm, VN-Index đang hướng đến các vùng kháng cự xa hơn tại 1.025 điểm và 1.050 điểm. Ảnh minh họa Thành Hoa |
Khối ngoại cũng góp phần trong việc giúp thị trường giao dịch tích cực hơn khi mua ròng trở lại. Tính chung cả ba sàn giao dịch, khối ngoại mua vào 84,8 triệu cổ phiếu, trị giá 3.073 tỉ đồng, trong khi bán ra 68,8 triệu cổ phiếu, trị giá 2.874 tỉ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 16 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 199 tỉ đồng. Riêng trên sàn HSX, khối ngoại chấm dứt chuỗi sáu tuần bán ròng liên tiếp bằng việc mua ròng trở lại 35,7 tỉ đồng, tương ứng khối lượng 1,7 triệu cổ phiếu.
Về các thông tin thế giới, trong tuần trước, đúng với kỳ vọng của thị trường, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có lần cắt giảm lãi suất thứ ba liên tiếp. Đáng chú ý hơn, sau lần cắt giảm này, Fed đã phát tín hiệu sẽ tạm thời dừng lại (“pause”) tiến trình giảm lãi suất để chờ các diễn biến kinh tế tiếp theo.
Tổng mức cắt giảm của Fed trong chu kỳ này đến nay là 0,75% – tức đã bằng mức cắt giảm trong hai chu kỳ kinh tế gần nhất có “insurance cut” là 1995-1996 và 1998. Các số liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ công bố cuối tuần trước cũng hoàn toàn ủng hộ cho định hướng “pause” của Fed, bao gồm: tăng trưởng GDP quí 3 của Mỹ đạt 1,9% (cao hơn dự báo 1,6%) với đóng góp chính vẫn từ tiêu dùng hộ gia đình và bảng lương phi nông nghiệp trong tháng 10 của Mỹ đạt 128.000 việc làm mới (dự báo trước đó chỉ là 89.000).
Với những số liệu hiện tại, nhiều khả năng kinh tế Mỹ chỉ đang trong quá trình tăng trưởng chậm lại chứ chưa phải bước vào pha suy giảm mạnh. Xác suất kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2020 cũng đang ở mức thấp với kỳ vọng các đợt cắt lãi suất vừa qua của Fed là tạm đủ để chặn đà rơi của GDP. Dữ liệu vĩ mô quan trọng nhất cần theo dõi trong thời gian tới đối với kinh tế Mỹ là tăng trưởng việc làm và thu nhập của người lao động. Nếu các số liệu này yếu đi rõ rệt trong các tháng tới thì cũng không loại trừ khả năng Fed sẽ cần thêm các đợt cắt giảm lãi suất khác trong năm 2020.
Tại Việt Nam, thông tin quan trọng trong tuần trước là khả năng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ sớm được Nghị viện châu Âu thông qua. Theo lịch trình, hiệp định này sẽ trải qua các phiên tranh luận tại Ủy ban Thương mại quốc tế của EU (INTA) trong các ngày 6 và 7-11-2019; 2 và 3-12-2019; 20 và 21-1-2020 trước khi được đệ trình trong phiên họp toàn thể chính thức của Nghị viện châu Âu để bỏ phiếu thông qua vào tháng 2-2020.
Như vậy, trong kịch bản lạc quan nhất, EVFTA có thể sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 6-2020 (sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn trong kỳ họp tháng 5-2020). Ở chiều ngược lại, có thể vẫn có rủi ro Bộ luật Lao động sửa đổi của Việt Nam (dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp đang diễn ra) chưa đáp ứng được hoàn toàn yêu cầu của phía Nghị viện châu Âu để EVFTA được phê chuẩn vào tháng 2-2020. Tuy vậy, với những phát biểu gần đây của đại diện INTA khi đến công tác tại Việt Nam, một kịch bản lạc quan cho EVFTA vào tháng 2-2020 đang được đánh giá cao hơn.
Một hiệp định thương mại tự do khác Việt Nam đang trong quá trình đàm phán là RCEP thì lại chưa có nhiều tiến triển. Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng vào cuối tuần trước không cho nhiều kết quả lạc quan. Nút thắt lớn nhất vẫn nằm ở Ấn Độ khi nước này vẫn chưa muốn mở cửa mạnh thị trường nội địa do lo ngại thuế quan theo RCEP giảm sẽ càng làm tăng thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc (đã đạt 54 tỉ đô la Mỹ trong năm 2018).
Nhiều khả năng cuộc gặp tại Thái Lan sẽ chưa thể hoàn tất tiến trình đàm phán cho RCEP. Theo đó, vai trò điều phối, thúc đẩy hiệp định này sẽ được chuyển sang cho Việt Nam trong năm 2020 với tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN.
Về xu hướng thị trường, sau khi vượt qua khá dễ dàng vùng kháng cự quanh 1.000-1.005 điểm, VN-Index đang hướng đến các vùng kháng cự xa hơn tại 1.025 điểm và 1.050 điểm. Sẽ không bất ngờ nếu VN-Index sẽ sớm có những phiên giảm điểm trở lại trong ngắn hạn nhằm kiểm định lại đà tăng. Mặc dù vậy, các phiên bứt phá cuối tuần trước đã giúp thay đổi đáng kể xu hướng thị trường, mở ra khả năng tăng điểm tiếp của VN-Index trong các tháng cuối năm.