Ba vấn đề người Việt gặp phải khi học tiếng Anh

Bao năm qua người Việt vẫn sử dụng giáo trình du nhập do người bản địa biên soạn mà không có giáo trình riêng dành cho mình.

Anh Phan Thế Dũng, 38 tuổi, tốt nghiệp Học viện Ngoại giao năm 2004, từng giảng dạy ngôn ngữ Anh tại một số quốc gia Đông và Tây Phi trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ phát triển giữa Quỹ Dominial Capital và địa phương (Business Education Program).

Hiện anh Dũng là chủ nhiệm chương trình khơi nguồn cảm hứng học tiếng Anh cho cộng đồng với hàng nghìn lượt lớp học miễn phí (online lẫn offline). Anh Dũng chia sẻ góc nhìn vì sao người Việt gặp khó khăn khi học tiếng Anh.

Người Việt có nhu cầu học tiếng Anh không? Có, rất cần. Tiếng Anh có khó học không? Chắc chắn không, bởi ngoài yếu tố lịch sử để lại thì nếu quá khó học nó đã không trở nên phổ biến một cách tự nhiên như bây giờ. Phải chăng người Việt khó tiếp thu? Cũng không phải, chưa kể người dân có tính cần cù hiếu học.

Ba cấu thành cơ bản nhất nhu cầu, bản thân môn học, năng lực người học đều không vấn đề, vậy thứ còn thiếu ở đây chỉ có thể là phương pháp. Phương pháp luận dạy và học tiếng Anh chưa phù hợp được cụ thể hóa rõ nhất ở việc chúng ta chưa có một giáo trình dạy học phù hợp.

Cả hệ thống dạy học tiếng Anh chính thống trong nhà trường lẫn thị trường dạy và học tư nhân bao năm qua vẫn sử dụng những giáo trình du nhập do người bản địa biên soạn cho việc dạy tiếng Anh ra toàn thế giới. Và họ không có ý thức về những khó khăn người Việt mắc phải khi học để đề ra giải pháp tháo gỡ. Có ba vấn đề người Việt mắc phải khi học tiếng Anh.

Thứ nhất là lối tư duy cảm tính, tư duy thế nào thì sẽ hình thành thói quen sử dụng ngôn ngữ như vậy. Chúng ta ít có thói quen tư duy lý tính, khoa học, chính xác, hệ thống và logic, những thứ vốn là “đặc sản” của văn minh phương Tây, nơi sản sinh ra thứ ngôn ngữ này.

Một thí dụ là khi đánh giá tiếng Anh ai đó, ta thường là “nói hay”, ít nhận xét “nói đúng”. Đơn giản bởi ta không có ý niệm thế nào là đúng, thay vào đó là “cảm thấy”, “nghe có vẻ như là”, “giống Tây”… Đây chính là vấn đề bao trùm của nhiều người Việt, là cản trở lớn nhất.

Thứ hai là khác biệt về cơ địa, nhất là các bộ phận ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát âm như cổ họng, hàm, cơ miệng… Các bộ phận phát âm của người Việt mỏng manh, không chắc khỏe như người châu Âu nên cùng một hướng dẫn đưa ra âm thanh, ta làm không thể nào giống họ.

Âm thanh không giống tức nói khác đi, và nói khác thì khi nghe lại vẫn một từ đó nhưng não bộ phải mất hai lần để xử lý nhận diện. Đầu tiên là liên hệ từ âm thanh người bản xứ nói sang âm thanh mình nói, rồi từ âm thanh mình nói đến nghĩa tương ứng của từ. Đây là vấn đề thứ hai.

Anh Phan Thế Dũng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Anh Phan Thế Dũng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thứ ba là thói quen sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ. Tiếng Việt nặng về từ pháp (tức sử dụng từ nào cho đúng cho hay), chắp nối các từ phù hợp thành câu có nghĩa. Nếu hình dung về tiếng Anh cũng vậy, có từ là có tất cả, thì sẽ dẫn đến cả loạt hệ lụy: sa vào học từ rời rạc theo lối nhớ vẹt dẫn đến học mà không thể nào đưa ra dùng đúng chỗ; cộng dồn nghĩa các từ lại để hiểu câu; viết ra những câu ngô nghê tối nghĩa dù có đầy đủ từ vựng; bị ám ảnh thái quá với việc học từ vựng.

Tiếng Việt dùng các thanh điệu làm nền tảng, nói rõ từng tiếng là đủ hay. Quen cách này sang tiếng Anh sẽ tạo ra lối nói đều đều bằng một tông giọng và cố gắng nói rõ ràng đầy đủ từng tiếng.

Việc dạy và học tiếng Anh hiện nay tại Việt Nam, từ trong trường học chính thống cho đến ngoài xã hội, đều chưa có chương trình, giáo trình nào thực sự đề ra và giải quyết triệt để ba vấn đề trên. Chiều theo thói quen tư duy cảm tính, thậm chí có phần thích nhẹ nhàng, giản đơn từ mặt bằng chung người học, đấy chính là khởi nguồn của lối học vẹt, học vui phổ biến hiện nay.

Phần lớn người học tiếng Anh luôn có cảm giác bị bịt mắt bởi lối học vẹt này, học mà không hiểu thấu đáo tận cùng vấn đề của ngôn ngữ. Học vẹt thì nhàn hơn học nghiền ngẫm nhưng hậu quả là triệt tiêu niềm hứng thú với môn học và làm cùn khả năng tư duy. Trong đó tai hại hơn cả là hình thành tâm lý lệ thuộc hoàn toàn vào người dạy, từ cách nói một từ mới cho đến cách viết một câu văn.

Để giải quyết ba vấn đề trên cần nhiều giải pháp, nhưng đầu tiên là nhận thức lại về phương pháp luận dạy và học, biên soạn lại giáo trình. Người Việt cần giáo trình học tiếng Anh riêng, dựa trên những chuẩn mực của ngôn ngữ Anh nhưng cần được diễn giải lại bằng một người am hiểu ngôn ngữ Việt, hiểu được các khó khăn đặc thù khi chuyển đổi ngôn ngữ của người Việt.

Phan Dũng

Nguồn bài viết

Bài trướcApple triển khai ghi hình cho sự kiện ra mắt iPhone 12 | Công nghệ
Bài tiếp theoNgười dân hiến hơn 5.000m2 đất để mở rộng đường nông thôn