Bà mẹ dạy con không theo ‘vết xe đổ’ của mình

Từng là kẻ bắt nạt, phá hoại cuộc sống của một nữ sinh cùng trường, Kimberly Rae Dixon quyết phải dạy con góp phần xóa bỏ hành vi này.

Kimberly Rae Dixon, tác giả nhiều bài viết chia sẻ kinh nghiệm dạy con trên tạp chí Parents ở Mỹ, bà mẹ có con gái 5 tuổi và con trai 3 tuổi, chia sẻ câu chuyện của mình trong quá khứ cùng quan điểm dạy con để chúng không trở thành những kẻ bắt nạt.

Mùa hè giữa lớp 7 và 8, gia đình tôi chuyển đến Calgary (Canada). Tôi phải rời khỏi ngôi nhà gắn bó suốt thời thơ ấu, xa những người bạn rất thân thiết. Tôi đã vô cùng sợ hãi nhưng cũng có phần hào hứng với cơ hội kết bạn mới.

Đến trường mới vào ngày đầu tiên, tôi chọn trang phục hợp thời trang nhất và tự hứa sẽ thể hiện lòng tốt với mọi người. Tôi nhanh chóng kết bạn với một vài nữ sinh nổi tiếng trong trường rồi trở thành nhóm “Mean Girls” (tên phim, tạm dịch là “Những cô gái lắm chiêu”) phiên bản cấp THCS ngoài đời thực.

Ngôi trường tôi theo học đông đúc. Những đứa trẻ giàu có, nổi tiếng thường chọn một vài bạn khác trong trường và thực hiện hành vi bắt nạt. Vì lợi ích của việc duy trì địa vị, tôi đã làm theo. Tôi chọn một nữ sinh đặt biệt, tên Nicole (đã đổi tên nhằm bảo đảm quyền riêng tư) làm nạn nhân ưa thích của mình.

Những năm tiếp theo, Nicole và tôi vẫn học cùng trường. Có những lúc tôi đã lấy được lòng tin và khiến cô ấy nghĩ tôi là bạn tốt, đôi khi lại cảm thấy tồi tệ. Thế nhưng, mong muốn giữ tình bạn với những nữ sinh nổi tiếng kia đã kéo tôi lại. Và ngay sau đó, tôi chuyển sang chế giễu Nicole, bôi nhọ và bêu rếu những bí mật đáng xấu hổ nhất của cô ấy với mọi người.

Tôi trở thành kẻ bắt nạt. Đó không phải là điều tôi tự hào nhưng là trải nghiệm định hình cách tôi nuôi dạy hai đứa con sau này. Tôi quyết phải dạy chúng cách để không trở thành học sinh giống như tôi.

Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Sang THPT, những tin đồn về Nicole liên quan tới cả vấn đề tình dục. Sự bắt nạt leo thang đến mức tôi không còn cảm thấy thoải mái. Lớp 11, tôi quyết định làm lành với cô ấy. Tôi bắt đầu bằng một lời xin lỗi trung thực và chân thành, cầu xin sự tha thứ. Nicole ở thời điểm đó hơi tuyệt vọng nhưng rất lịch thiệp và thấu hiểu. Cô chấp nhận lời xin lỗi khiến tôi rất ngạc nhiên.

Khi hiểu rõ hơn về Nicole, tôi nhận ra cô ấy mới là người tôi muốn ở bên chứ không phải nhóm bạn mà tôi cố gắng gây ấn tượng khi đi bắt nạt người khác. Sau vài tháng, chúng tôi bắt đầu thân thiết hơn. Nicole tâm sự với tôi về cảm giác bị tra tấn khi ở trường. Cô ấy sợ hãi khi thức dậy vào mỗi buổi sáng, thậm chí có lúc đã cố gắng tự tử. Việc bị bắt nạt là nguyên nhân lớn thứ hai gây ra cái chết cho những người ở Mỹ trong độ tuổi 10-34.

Những gì mà tôi của năm 14 tuổi nghĩ là trò trêu chọc vô hại có thể đã kết thúc bằng việc ai đó tự kết liễu cuộc đời mình. Cảm giác tội lỗi, xấu hổ tràn ngập trong tôi khi cô ấy nói điều này. Nhưng tôi biết dù thấy kinh khủng đến đâu, nỗi đau của tôi cũng chẳng là gì so với địa ngục cô ấy phải đối mặt mỗi ngày đến trường.

Dù đã mất liên lạc, tôi sẽ không bao giờ quên những tác động của Nicole đến cuộc sống của tôi. Tôi nghĩ về cô ấy thường xuyên và mỗi lần như vậy lại muốn làm điều gì đó để ngăn chặn đứa trẻ khỏi trải nghiệm tồi tệ ở trường.

Theo một báo cáo, khoảng 20% học sinh ở Mỹ từng bị bắt nạt và hơn 70% chứng kiến hành vi này xảy ra. Cùng với trải nghiệm của bản thân, tôi nghĩ mình phải dạy hai con tôi về sự bắt nạt dù chúng còn rất nhỏ.

Dù biết chắc chắn không hoàn hảo, tôi và chồng đều cố gắng hết sức để nói chuyện với nhau một cách tôn trọng. Chúng tôi nghĩ điều quan trọng con cái thấy mình nên đối xử với những người khác một cách tôn trọng. Tôn trọng ở đây có nghĩa là chia sẻ, không đánh đập hay bôi nhọ người khác và phải đối xử tốt với nhau. Những quy tắc tương tự được áp dụng bên ngoài ngôi nhà của chúng tôi khi các con chơi với anh em họ hay bạn bè.

Tất nhiên, hai đứa trẻ nhà tôi cũng không hoàn hảo. Đôi khi, chúng phá vỡ quy tắc mà bố mẹ đưa ra và tôi thường rất nghiêm khắc mỗi khi như vậy. Chúng tôi cẩn thận với các phương pháp kỷ luật, đặc biệt là khi nói đến loại hành vi này. Chúng tôi luôn cố gắng hết sức để giữ bình tĩnh và nói với con một cách hợp lý về những gì chúng đã làm sai và những gì chúng có thể làm tốt hơn.

Trong khi con trai của chúng tôi vẫn còn quá nhỏ để hiểu hết mọi thứ, tôi cố gắng để nói chuyện với con gái về việc bắt nạt, chia sẻ để con biết nó có nghĩa gì, tại sao hành vi đó lại sai và phải làm gì nếu con thấy nó xảy ra. Một số dấu hiệu bắt nạt tôi đã nói với con gái gồm:

– Làm cho người khác cảm thấy không được chào đón, bao gồm cả việc đánh, bôi nhọ họ.

– Chọn người khác dựa vào ngoại hình, giới tính và sự khác biệt khác của họ.

– Trêu chọc, cằn nhằn, quấy rối hoặc làm tổn thương trẻ khác.

Khi con gái tôi lớn hơn và bước vào tiểu học, THCS và THPT, các cuộc thảo luận của chúng tôi về bắt nạt sẽ phát triển hơn, bao gồm các dấu hiệu bắt nạt dành riêng cho trẻ lớn hơn, quấy rối tình dịch và bắt nạt trực tuyến.

Nếu con gái tôi thấy hành vi bắt nạt xảy ra, con bé được khuyến khích ngăn chặn nó bằng cách nói với giáo viên, phụ huynh hoặc một người lớn có trách nhiệm khác. Khi ở giữa những người bạn cùng trang lứa có hành vi bắt nạt, con được khuyến khích nhắc nhở họ chơi đẹp và tôn trọng.

Tôi tự hào vì đã được chứng kiến con gái đứng lên chống lại bạn bè trong nhiều lần khi nghĩ rằng ai đó đang bị đối xử bất công. Tôi hy vọng con tiếp tục làm vậy trong suốt cuộc đời và con trai tiếp bước chị trong những năm tiếp theo.

Dương Tâm (theo Parents)

Nguồn bài viết

Bài trướcChuyên gia nói gì về đề xuấ‌t mở lại đường bay quốc tế
Bài tiếp theoNgăn chặn hàn‌h v‌i lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuấ‌t xứ