HomeStartup'Bà đỡ' của xà phòng Handmade | Giới trẻ

‘Bà đỡ’ của xà phòng Handmade | Giới trẻ

Nhìn những chiếc bánh cupcake đủ màu, miếng rau câu mướt mát, hay cục kẹo ngọt hấp dẫn, bức tranh Đông Hồ sắc nét, ít người nghĩ đấy là những sản phẩm xà bông thủ công. Và cũng ít người tưởng tượng được những cục xà bông tỉ mỉ ấy, chính tay mình cũng có thể làm ra chỉ sau một buổi học.

Điều đó là có thể, với chị Trần Thiên Trà, thì học viên không chỉ được trang bị đầy đủ kỹ thuật cần thiết mà còn cả sự tự tin để khởi nghiệp bằng nghề làm xà phòng thủ công, làm giàu cho chính mình. Bộ đồ nghề để làm xà phòng rất đơn giản: chỉ cần một lò vi sóng, vài chiếc khuôn làm bánh, làm rau câu, hương liệu, phôi xà phòng là đủ.

Những học viên chỉ mua một mẩu xơ mướp, một cục phôi chị Thiên Trà cũng đồng ý cung ứng, để người đó có thể làm từ mô hình nhỏ, không bị đọng vốn do nhập hàng nhiều; khi có nhiều đơn hàng thì mua nhiều, làm ít thì mua ít đúng nghĩa của từ khởi nghiệp tinh gọn.


“Bà đỡ” của xà phòng Handmade 1

Tạo thành cộng đồng để tăng sức cạnh tranh

Mỗi tháng 1 lần, chị Trần Thiên Trà sẽ đứng lớp 2 buổi để dạy cho các học viên đến Trung tâm học cách làm xà phòng, cách thức khởi nghiệp tinh gọn vốn ít. Theo chị Trà: “Không chỉ đến bây giờ khi bước chân vào lĩnh vực làm xà phòng handmade tôi mới có ý tưởng hướng nghiệp cho mọi người mà cách đây nhiều năm khi thành lập Trung tâm Ariska, tôi đã tư vấn các thủ tục thành lập doanh nghiệp, tư vấn về nhân sự…

Mãi đến 1 năm trở lại đây, tôi quyết định tạo ra một mô hình cụ thể là làm xà phòng để công tác hướng nghiệp dễ tiếp cận hơn. Các học viên đến đây, có người là phụ nữ nội trợ, có bạn là sinh viên, có người là lao động phổ thông… Mọi người đến học vì chung mục tiêu tăng thu nhập cho mình nên tôi tận tình truyền đạt hết kinh nghiệm mình có để sau 2 ngày học, mọi người biết cách làm ra được sản phẩm, khuyến khích sáng tạo sản phẩm theo ý tưởng riêng, cách định giá bán…

Sau khi khóa học kết thúc, tôi vẫn còn theo dõi cả tiến trình tiếp theo của “doanh nghiệp” học viên xem họ có khó khăn gì, có thắc mắc gì thì mình sẽ giúp đỡ tiếp. Học thật làm thật, chứ không phải học chỉ để chơi”.


“Bà đỡ” của xà phòng Handmade 2

Mục tiêu của chị Thiên Trà là khi đào tạo được 500 học viên, số người này sẽ trở thành “đầu mối” tập trung phát triển sản phẩm tạo thành một cộng đồng sản xuất xà phòng thủ công lớn như ở các nước phát triển. Từ cộng đồng này, họ có thể đi chào hàng, sản xuất sản phẩm xuất khẩu… Một xưởng nhỏ không thể làm được các đơn hàng vài chục ngàn sản phẩm trong thời gian ngắn, nhưng nếu có một cộng đồng liên kết chặt chẽ cùng nhau thì có thể chia sẻ đơn hàng, chia sẻ lợi nhuận, trở thành một cộng đồng mạnh, đủ sức cạnh tranh vươn ra biển lớn.

Chị chia sẻ thêm: “Tôi thấy người Việt mình có ưu thế là làm các sản phẩm thủ công tỉ mỉ và tinh tế nên khi có điều kiện phát huy, sản phẩm của chúng ta sẽ không thua kém bất kỳ nền sản xuất thủ công nào, hoàn toàn đủ năng lực cạnh tranh, đem lại thu nhập tốt cho người sản xuất”.


“Bà đỡ” của xà phòng Handmade 3

Tranh trang trí từ xà phòng

Có 3 dòng sản phẩm mà chị Thiên Trà phát triển: xà phòng phổ thông, dòng cao cấp dùng cho spa, khách sạn và xà phòng trang trí. Nhóm phổ thông thì dùng cho nhu cầu bình thường của gia đình như tắm, rửa mặt, rửa tay… giá mềm.

Một nhóm cao hơn dùng cho khách sạn lớn, các tiệm spa muốn sử dụng sản phẩm từ thiên nhiên, đây cũng là đầu ra cho sản phẩm xà phòng thủ công mà các bạn trẻ khởi nghiệp với nghề này nên chú ý. “Tôi phát triển mảng xà phòng trang trí cũng nhằm tăng thêm thị trường cho ngành này. Tôi tin, nếu mình tạo ra một bức tranh đẹp, một đồ trang trí dễ thương, hơn nữa lại còn làm từ chất liệu là xà phòng thì ai nhìn cũng thích thú và sẵn sàng trả tiền để mua. Việc của mình là làm sao cho sản phẩm trở thành một tác phẩm nghệ thuật”, chị Trà chia sẻ.

Tại buổi công bố chương trình Vietnam Creative Festival 2016, rất nhiều khách tham quan hôm đó bị kích thích, thú vị khi được thấy một cục xà phòng có hoa văn ẩn là tranh Đông Hồ. Nhiều người thắc mắc sao có thể tạo ra được hoa văn này trên chất liệu xà phòng.

Chị Trà chia sẻ: “Tôi mất rất nhiều tháng mới thử nghiệm thành công sản phẩm xà phòng tranh này. Tôi muốn tạo ra sản phẩm thuần Việt, đưa cái hồn của VN vào trong từng tác phẩm. Vốn trước đây là kỹ sư hóa, mê sáng tạo, tôi thử nghiệm rất nhiều loại và tìm ra được loại giấy magic có thể tan trong nước. Chỉ cần in các hoa văn mong muốn lên giấy, rồi cho vào trong quá trình đổ khuôn là thành. Từ bấy giờ, khách hàng có nhu cầu muốn có vật trang trí trên bàn làm việc, đồ chặn giấy, vật phẩm bày trên tủ kệ sách, tranh treo tường… có thêm một sự lựa chọn mới là xà phòng tranh Đông Hồ”.


“Bà đỡ” của xà phòng Handmade 4

Không dừng lại ở sản phẩm này, mới đây chị Trà mở thêm các lớp học làm xà phòng tranh kiếng, một loại tranh truyền thống của người Nam bộ xưa. Chị cũng đưa thêm ý tưởng cho học viên làm các loại xà phòng có hình chân dung gia đình, để tạo cho người mua cảm giác đây là hàng làm riêng, cái họ mua không chỉ là miếng xà phòng mà là món đồ yêu thích.

Thử nghĩ, nếu nhận được món quà là một bánh xà phòng thủ công làm từ các nguyên liệu tự nhiên dùng được, phía trong có chân dung của chủ nhân, sẽ thật độc đáo và ý nghĩa.

Sản phẩm độc đáo, nguyên liệu tự nhiên, vốn ít, được tạo điều kiện tham dự các hội chợ, có vành đai sinh thái để phát triển nghề, có cộng đồng…, chị Thiên Trà có lẽ đã chuẩn bị sẵn cơ hội cho mọi người, chỉ cần học viên có niềm đam mê, sự kiên trì theo đuổi, vạn sự cũng thành.



Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img